Tại sao nghề dịch vụ tại Nhật lại “kỳ thị” tiền tip?

20:49 | 28/07/2020;
Câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ nằm trong chính suy nghĩ của người Nhật về tiền, công việc và trách nhiệm của bản thân đối với công việc đó.

Trải nghiệm dịch vụ chất lượng, khách hàng thường muốn tip (boa) thêm cho nhân viên trực tiếp phục vụ mình - đây có thể xem là một thói quen của nhiều người và là một “nét văn hóa” được ủng hộ ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Thế nhưng, có một nơi mà “văn hóa tiền tip” không sao xâm nhập được và người làm nghề dịch vụ tại đất nước này cũng không có “nhu cầu” được tip thêm bất kỳ khoản nào ngoài hóa đơn: Đó chính là Nhật Bản!

Tại sao nghề dịch vụ tại Nhật lại “kỳ thị” tiền tip, nhân viên không thích được cho thêm khoản nào ngoài hóa đơn? - Ảnh 1.

Tại sao lại như vậy? Chẳng phải được tip thêm thì nhân viên ngành dịch vụ sẽ có thêm một khoản thu nhất định giúp trang trải cuộc sống hay sao? Và được khách hàng tip cũng ngầm nói lên rằng họ đã làm rất tốt công việc của mình, sao lại không thích?

Câu trả lời cho các câu hỏi trên có lẽ nằm trong chính suy nghĩ của người Nhật về tiền, công việc và trách nhiệm của bản thân đối với công việc đó.

Người làm nghề dịch vụ tại Nhật quan điểm, việc phục vụ thật chu đáo cho khách hàng là trách nhiệm của họ. Vì vậy, chẳng có gì đáng nói nếu khách hàng hài lòng, bởi họ đã làm tròn chức trách của mình.

Tại sao nghề dịch vụ tại Nhật lại “kỳ thị” tiền tip, nhân viên không thích được cho thêm khoản nào ngoài hóa đơn? - Ảnh 2.

Người Nhật nói chung cũng rất tự trọng và có một sự tự tôn nhất định về bản thân, trong khi tiền lại là một thứ rất nhạy cảm. Họ không thích được thương hại, cho nên lắm khi khách để lại tiền tip sẽ khiến họ hiểu lầm.

Ngoài ra, tại Nhật, tiền không bao giờ là đại diện của lời cảm ơn. Nếu muốn cảm ơn sau quá trình trải nghiệm dịch vụ chất lượng, khách hàng có thể nói lời cảm ơn bằng cách trở lại vào lần sau hoặc giới thiệu hàng quán đó để bạn bè tới ủng hộ.

Một điều đặc biệt nữa, ở Nhật thì ngành dịch vụ và người làm dịch vụ hầu như “trăm nơi như một”, vô cùng chất lượng. Vậy, sẽ chẳng có lý do gì để bạn nhìn thấy nhân viên này làm tốt, nhân viên kia làm chưa tốt, nơi này “ok”, nơi khác “không ok” để tip thêm.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, trước đây có thể người Nhật rất gay gắt và cảm thấy khó chịu khi khách hàng để lại tiền tip nhưng ngày nay, trước làn sóng du lịch ồ ạt từ nước ngoài, tiền tip đã được nhìn nhận cởi mở hơn tại Nhật. Họ không còn “kỳ thị” thay vào đó là cảm thấy “kỳ lạ” mà thôi.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn