Một lối sống ít vận động, đặc biệt là ngồi một chỗ quá lâu có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật như một người hút thuốc lá liên tục, chẳng hạn như thừa cân, mắc bệnh tiểu đường loại 2 hoặc bệnh tim, đồng thời bị trầm cảm và lo lắng.
Theo thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới WHO, không hoạt động thể chất góp phần gây ra hơn 3 triệu ca tử vong có thể phòng ngừa được trên toàn thế giới mỗi năm (tức là 6% tổng số ca tử vong). Đây là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ tư do các bệnh không lây nhiễm. Ít vận động cũng là nguyên nhân gây ra 21 đến 25% ca ung thư vú và ung thư ruột kết, 27% ca bệnh tiểu đường và khoảng 30% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ.
Dưới đây là 10 vấn đề dễ gặp nếu như bạn ngồi quá nhiều hoặc ít vận động:
- Chân và cơ mông bị yếu đi
Ngồi trong thời gian dài có thể dẫn đến suy yếu và teo cơ chân và cơ mông. Những cơ bắp lớn này rất quan trọng cho việc đi lại và giúp bạn ổn định. Nếu những cơ này yếu, bạn có nhiều khả năng bị thương do té ngã và căng cơ khi tập thể dục.
- Tăng cân
Vận động cơ bắp giúp giải phóng các phân tử như lipoprotein lipase, giúp xử lý chất béo và đường bạn ăn. Nếu bạn dành nhiều thời gian để ngồi, quá trình tiêu hóa sẽ không hiệu quả, do đó bạn sẽ giữ lại những chất béo và đường đó dưới dạng chất béo trong cơ thể và gây tăng cân, tích mỡ.
Ngay cả khi tập thể dục nhưng dành nhiều thời gian ngồi, bạn vẫn có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như hội chứng chuyển hóa. Nghiên cứu mới nhất cho thấy bạn cần hoạt động với cường độ vừa phải 60–75 phút mỗi ngày để chống lại mối nguy hiểm của việc ngồi quá nhiều.
- Ảnh hưởng đến hông và lưng
Cũng giống như chân và cơ mông, hông và lưng của bạn cũng sẽ bị yếu nếu bạn ngồi trong thời gian dài. Ngồi khiến cơ gấp hông của bạn ngắn lại, điều này có thể dẫn đến các vấn đề với khớp hông.
Ngồi trong thời gian dài cũng có thể gây ra các vấn đề về lưng, đặc biệt nếu bạn thường xuyên ngồi sai tư thế. Ngồi sai tư thế sẽ ảnh hưởng đến cột sống như chèn ép các đĩa đệm ở cột sống, dẫn đến thoái hóa sớm gây đau đớn.
- Làm tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm
Hiện nay các nhà nghiên cứu chưa tìm hiểu rõ mối liên hệ giữa việc ngồi và sức khỏe tâm thần nhưng những người ngồi quá nhiều sẽ có nguy cơ mắc cả lo lắng và trầm cảm cao hơn. Điều này có thể là do những người dành nhiều thời gian ngồi đang thiếu những tác động tích cực của hoạt động thể chất.
- Tăng nguy cơ ung thư
Các nghiên cứu cho thấy sự nguy hiểm của việc ngồi quá nhiều bao gồm việc tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư, bao gồm ung thư phổi, tử cung và ruột kết. Lý do dẫn tới tình trạng này thì chưa rõ ràng.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim
Ngồi trong thời gian dài có liên quan đến bệnh tim. Một nghiên cứu cho thấy những người đàn ông ngồi xem tivi hơn 23 giờ mỗi tuần có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch cao hơn 64% so với những người đàn ông chỉ xem 11 giờ tivi mỗi tuần.
Một số chuyên gia nói rằng những người không hoạt động và ngồi trong thời gian dài có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ cao hơn 147%.
- Mắc bệnh tiểu đường
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thậm chí chỉ nằm trên giường 5 ngày cũng có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin trong cơ thể tăng lên, điều này sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng cao hơn. Nghiên cứu còn cho thấy những người dành nhiều thời gian ngồi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn 112%.
- Suy tĩnh mạch
Ngồi trong thời gian dài có thể dẫn đến giãn tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch mạng nhện (một dạng nhỏ hơn của chứng giãn tĩnh mạch). Điều này là do ngồi quá nhiều khiến máu dồn xuống chân.
Giãn tĩnh mạch thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bệnh có thể dẫn đến cục máu đông và gây ra các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
Ngồi quá lâu có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), đây là tình trạng máu đông ở tĩnh mạch sâu (thường là bắp chân hoặc đùi) hoặc vùng chậu.
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng vì nếu một phần cục máu đông trong tĩnh mạch chân vỡ ra và di chuyển, nó có thể cắt đứt lưu lượng máu đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm cả phổi, gây tắc mạch phổi. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.
- Cứng cổ và vai
Nếu bạn dành thời gian cúi xuống bàn phím máy tính, điều này có thể dẫn đến đau và cứng ở cổ và vai. Điều này thường phổ biến ở những người làm việc tại văn phòng.
Ngồi quá nhiều hoặc ít vận động gây ra rất nhiều vấn đề về sức khoẻ. Vì vậy bạn nên xây dựng nhiều hoạt động hơn trong ngày bằng cách:
- Nếu ở nhà bạn nên vận động nhiều hơn bằng cách:
+ Làm việc nhà từ việc vặt đến các việc lớn để giảm thời gian rảnh, điều này sẽ giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi hợp lý mà không ngồi một chỗ quá lâu.
+ Tập thể dục sáng và tối bằng cách đi bộ, đạp xe, chạy bộ, tập yoga...
+ Đi bộ đi chợ nếu chợ cách nhà khoảng 1 km hoặc gần hơn.
+ Hạn chế dùng tivi, điện thoại vì dùng các thiết bị này sẽ khiến bạn ngồi nhiều hơn.
+ Thay trò chơi điện tử thành trò chơi hoạt động, đặc biệt là trẻ em.
- Nếu ở văn phòng bạn nên vận động nhiều hơn bằng cách:
+ Sau 30 phút làm việc bạn nên đứng dậy và tập một vài động tác vận động cơ bản, chẳng hạn như vặn mình, duỗi chân tay, đi bộ một vài phút...
+ Đi lại trong văn phòng khi cần kết nối với người khác thay vì nhắn tin trên điện thoại.
+ Sử dụng cầu thang bộ thay vì thang máy hoặc thang cuốn
+ Đỗ xe xa hơn nơi bạn định đến và đi bộ hết quãng đường còn lại.
+ Bạn có thể đi làm bằng xe buýt, khoảng thời gian bạn đi bộ đến điểm xe buýt cũng là ý tưởng hay để vận động.
- Ngồi 8 tiếng/ngày có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gian, ngồi từ 4 đến 8 giờ mỗi ngày làm nguy cơ mắc các biến chứng sức khỏe liên quan ở mức trung bình. Người ta coi việc ngồi từ 8 đến 11 giờ mỗi ngày là nguy cơ cao gặp nhiều vấn đề liên quan đến sức khoẻ.
- Ngồi nhiều có bị trĩ không?
Ngồi nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị trĩ do khi ngồi trong thời gian dài sẽ gây áp lực lên hệ thống tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn, đồng thời dễ nảy sinh tình trạng xung huyết cục bộ - tình trạng này kéo dài sẽ gây ra những tổn thương và là điều kiện thuận lợi để các búi trĩ hình thành và phát triển nhanh.
Ngồi nhiều ngồi nhiều cũng dẫn đến việc máu bị dồn ứ và lưu thông kém qua khu vực trực tràng và hậu môn, làm tăng nguy cơ bị trĩ.
Nhìn chung, lối sống ít vận động làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, trong đó bao gồm cả những bệnh nguy hiểm. Do đó, bạn nên tăng cường vận động và xây dựng lối sống lành mạnh. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, bạn có thể liên hệ với bác sĩ để nhận được những lời khuyên tốt nhất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn