Tại sao người xưa lại hành hình phạm nhân vào thời điểm Giờ Ngọ ba khắc?

08:35 | 19/05/2023;
Trong các bộ phim cổ trang, chúng ta thường thấy cảnh các quan cầm quyền hạ lệnh hành hình phạm nhân vào giờ Ngọ ba khắc. Thời điểm này có gì đặc biệt, tại sao người xưa lại chọn đúng lúc này để chặt đầu tội phạm?

Cũng giống như các thời đại khác, ở thời phong kiến, người phạm tội sẽ bị xử phạt. Chém đầu chính là hình phạt nặng nhất dành cho phạm nhân thời đó. Tuy nhiên việc chém đầu không phải lúc nào cũng có thể thực hiện mà phải làm theo quy định. Một trong số những quy định mà chúng ta thường thấy trên các bộ phim chính là thời gian thi hành án. Các vị quan luôn chọn giờ Ngọ ba khắc để hành quyết phạm nhân.

Thời Đường, Tống có quy định: Mỗi một năm từ tiết lập xuân đến thu phân, các tháng Giêng, 5, 9; các ngày đại tế, ngày rơi vào 24 tiết khí, ngày trai giới, ngày mùng một, rằm, thượng huyền, hạ huyền và mùng 8,23,24,28,29,30 thì không được thi hành án tử hình.

Giờ Ngọ ba khắc có gì đặc biệt? Tại sao người xưa lại hành hình phạm nhân vào thời điểm này? - Ảnh 1.

Phạm nhân bị xử tội chém đầu sẽ hành hình vào giờ Ngọ ba khắc. (Ảnh: Sohu)

Ngoài ra, khi Mặt trời chưa mọc, mưa chưa tạnh cũng không được hành hình. Do đó, mỗi năm chỉ có chưa đến 80 ngày có thể chém đầu phạm nhân.

Đến thời nhà Minh, nhà Thanh cũng đặt quy định tương tự như nhà Đường, Tống nhưng không có quy định giờ giấc cụ thể.

Giờ Ngọ ba khắc là gì?

Thời xưa, con người chưa có đồng hồ nên họ chỉ có cách dựa vào hiện tượng thiên văn, lịch sinh hoạt của động vật để tính thời gian. Người Trung Quốc tính giờ theo 12 con giáp. Trong đó, "thời" và "khắc" được dùng như 2 đơn vị để phân chia thời gian. Cụ thể, một ngày được chia thành 12 thời, mỗi thời là 2 tiếng và phân thành 100 khắc, mỗi khắc là 15 phút. Họ dùng cách khắc vạch lên thùng nước, rồi đục lỗ để nước nhỏ xuống, sau một ngày đêm thì nước trong thùng sẽ rỏ hết.

Giờ Ngọ ba khắc có gì đặc biệt? Tại sao người xưa lại hành hình phạm nhân vào thời điểm này? - Ảnh 2.

Giờ Ngọ ba khắc chính là 11 giờ 45 phút theo thời gian hiện đại. (Ảnh: Sohu)

Trong sách "Thuyết văn giải tự" của học giả Hứa Thận thời Đông Hán đã chép rằng: "Về khắc tiết, trú dạ trăm khắc". Nghĩa là trong một ngày đêm có tổng cộng 100 khắc được chia đều. Mỗi khắc là 14,4 phút (tương đương với 15 phút bây giờ).

Trong 12 thời thì thời đầu tiên là giờ Tý bắt đầu từ 23 giờ tới 1 giờ sáng, giờ Hợi là giờ cuối cùng tính từ 21 giờ đến 23 giờ. Theo cách tính này thì giờ Ngọ tương đương với 11 giờ đến 13 giờ.

Như vậy, giờ Ngọ ba khắc tức là 11 giờ 45 phút theo thời gian của thời hiện đại.

Giờ Ngọ ba khắc có gì đặc biệt?

Giờ Ngọ ba khắc là thời điểm gần 12 giờ trưa, cũng là lúc Mặt trời đứng bóng, các loại bóng trên mặt đất thu lại ngắn nhất. Người Trung Quốc xưa cho rằng giờ Ngọ ba khắc là lúc Mặt trời mạnh nhất, dương khí đạt cực đại và âm khí bị suy yếu nhất.

Vì sao phạm nhân bị hành hình vào giờ Ngọ ba khắc?

Xét trên phương diện khoa học, con người thường cảm thấy mệt mỏi nhất là vào buổi trưa và khỏe mạnh nhất là vào buổi sáng. Do đó, nếu phạm nhân bị chém đầu vào buổi sáng khi đang tỉnh táo thì họ sẽ cảm nhận rất rõ sự đau đớn đó.

Vì vậy, người xưa mới quyết định chọn giờ Ngọ ba khắc để hành hình. Như vậy, tử tù sẽ cảm thấy mệt mỏi không còn tập trung vào việc mình sắp bị tử hình, sự đau đớn sẽ nhanh chóng qua đi. Đồng thời, những người chứng kiến thời khắc này sẽ dễ bị xao nhãng hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn