Devika mới được thăng chức lên vị trí bán hàng cấp cao. Không lâu sau đó, cô đã biết chuyển lại vị trí quản lý thường là bước đi tiếp theo trong sự nghiệp của mình.
Lý do đằng sau suy nghĩ muốn quay lại làm một nhân viên bình thường của Devika đến từ áp lực công việc. Vị trí mới đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều bên liên quan và bởi lẽ đó, Devika thấy vô cùng áp lực, sợ bản thân sẽ già đi nhanh chóng vì lo nghĩ. Chia sẻ với Business Insider, cô cho biết vị trí quản lý cấp cao này không phải điều mình thực sự quan tâm.
Devika nói thêm, nhiều người trẻ thuộc thế hệ Millennials như cô không quan tâm đến chuyện được thăng chức. Bởi họ cho rằng "việc đó chỉ khiến bạn phải từ bỏ quá nhiều cuộc sống cá nhân và khiến cuộc sống trở nên ngắn ngủi".
Devika không đơn độc với lối suy nghĩ này.
Một cuộc khảo sát của Visier hồi tháng 8 với 1.000 nhân viên toàn thời gian tại Mỹ cho thấy chỉ 38% thực sự quan tâm đến những vị trí cấp cao hơn. Andrea Derler, giám đốc Visier, thừa nhận có thể có khoảng cách giữa sếp và người kế nhiệm nếu lãnh đạo không dành thời gian hỗ trợ nhân viên. Phần lớn những người tham gia khảo sát đều bày tỏ sự lo lắng và căng thẳng nếu bị giao nhiều việc. Họ tin rằng làm quản lý đồng nghĩa với việc phải tăng ca nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn và quan hệ xã hội nhiều hơn.
Một trường hợp khác, Justin Vallely - một chàng kỹ sư phần mềm, cũng đang hạnh phúc với vị trí của mình và không muốn thăng chức lên quản lý. Anh nhận định ngoài lên chức, vẫn còn rất nhiều cách để nhân viên cống hiến tâm sức của mình.
Theo Vallely, một trong những trở ngại khiến nhiều người không muốn làm quản lý là bởi vị trí này thường xuyên phải giải quyết rất nhiều vấn đề của cấp dưới. Những vấn đề này sẽ không chấm dứt, buộc bạn phải liên tục làm việc và suy nghĩ ngay cả khi đã tan làm. Vallely nói thêm, mặc dù việc tăng lương sẽ là điều tốt nhưng anh ấy nghĩ "điều quan trọng hơn là được làm những gì bạn yêu thích".
Trước đó, công ty tư vấn tổ chức và quản lý Shikigaku cũng thực hiện một cuộc khảo sát toàn quốc với 300 nhân viên ở độ tuổi 20-50. Kết quả cho thấy 72% số người được hỏi không muốn đảm nhận vị trí quản lý. Ở nữ giới, chỉ 4% thực sự quan tâm đến vị trí này.
Lý do phổ biến nhất là bản thân những nhân viên này không muốn thăng tiến sự nghiệp, ngại chịu nhiều trách nhiệm và không sẵn sàng đáp ứng khối lượng công việc nặng hơn. Họ cho rằng việc thăng chức đồng nghĩa với thêm trách nhiệm, ngoài ra không có lợi ích nổi bật nào khác. Thậm chí, có ý kiến cho rằng "làm thêm hơn 80 giờ/tháng sẽ khiến cuộc sống cá nhân, sức khỏe bị hủy hoại".
Rất dễ tìm thấy dẫn chứng tại Nhật Bản - nơi Bộ Y tế vào ngày 13 tháng 10 vừa công bố sách trắng hàng năm về khoảng thời gian làm việc kéo dài của đa số người lao động. Chúng có mối liên hệ sâu sắc với bệnh trầm cảm và karoshi (tử vong do làm việc quá sức). Theo đó, tổng cộng có 2.968 người Nhật đã chết vì karoshi vào năm ngoái, tăng từ mức 1.935 vào năm 2021.
"Tôi nhớ rất rõ. Mình vừa thuyết trình xong thì đột nhiên cảm thấy choáng váng. Trước đây tôi đã từng bị sỏi thận. Ban đầu tôi nghĩ đây đơn thuần chỉ là bệnh cũ tái phát. Tuy nhiên sau đó, mọi thứ nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn. Tôi đã gọi xe cấp cứu", một anh chàng tên Sato kể về lần ngã quỵ do kiệt sức của mình. Sato là minh chứng điển hình do việc người trẻ đang có nhiều lo lắng về cả sức khoẻ thể chất và tinh thần tại môi trường làm việc. Cũng vì thế, từ bỏ thăng chức để tận hưởng cuộc sống bình thường là điều mà họ hướng đến.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn