Theo phân tích của chuyên gia Ngân hàng Thế giới Farima Alidadi và Wendy Cunningham, chênh lệch tiền lương theo giới vẫn tồn tại ở Việt Nam, mặc dù có giảm trong những năm gần đây. “Nam giới đang có thu nhập cao hơn nữ giới khoảng 10%. Đây là điều rất đáng ngạc nhiên, trong khi khả năng phụ nữ có việc làm có lương và có hợp đồng lao động cao hơn nam giới”.
Đặc biệt, theo 2 chuyên gia này, chênh lệch tiền lương theo giới chỉ đo lường sự khác biệt thù lao giữa nam và nữ có việc được trả lương. Tuy nhiên, 66% việc làm tại Việt Nam lại không được trả lương. Thay vào đó, các thành viên trong nông hộ và chủ doanh nghiệp hộ gia đình lấy lợi nhuận làm thù lao cho chính mình, thì phụ nữ tham gia nhiều hơn trong các loại hình công việc này, với tỷ lệ 52% lao dộng nữ, so với khoảng 48% lao động nam. Trong khi đó, loại hình công việc này có năng suất lao động thấp, thu nhập trung bình thấp hơn mức lương tối thiểu; đòi hỏi làm việc nhiều giờ, trong điều kiện khó khăn. Phụ nữ cũng chiếm một tỷ lệ lớn trong các công việc gia đình không được trả lương.
Lý giải nguyên nhân mức thu nhập lao động nữ thấp hơn nam giới, Farima Alidadi và Wendy Cunningham, cho rằng: Thứ nhất, phụ nữ chiếm đa số trong các ngành nghề thu nhấp thấp với tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, ví dụ nhóm công việc dịch vụ và bán hàng, nghề thư ký, trợ lý hành chính – nghề có mức lương tương đối thấp. Ngoài ra, lao động nữ coi trọng những công việc có tính linh hoạt để cân bằng giữa việc nhà và nghề nghiệp; chính điều này có thể đưa phụ nữ vào những công việc phù hợp mà có thu nhập thấp hơn.
Thứ 2, phụ nữ sử dụng thời gian và trách nhiệm với gia đình, cũng hạn chế các cơ hội và khả năng hưởng lợi từ thị trường việc làm. Định kiến giới còn tồn tại, cho rằng trách nhiệm chăm sóc gia đình thuộc về phụ nữ. Bản thân phụ nữ muốn và buộc phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn nam giới. Theo tổ chức ActionAid, trung bình mỗi tuần phụ nữ Việt Nam dành 35 giờ đề làm việc nhà so với 21 giờ của nam giới. Mặt khác, những công việc có khung giờ làm việc không phù hợp với thời gian dành cho công việc nhà, có thể khiến người phụ nữ phải chọn công việc khác được trả lương thấp hơn để dành “ưu tiên” cho gia đình.
Tình trạng phân biệt đối xử theo giới và chuẩn mực xã hội cũng tạo ra chên lệch tiền lương giữa nam và nữ. Đồng thời, các điều luật về lương hưu cũng góp phần tạo ra chênh lệch tiền lương theo giới. Cụ thể, Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 và nữ là 55. Hệ quả là khi mọi người có thể nghỉ hưu và nhận được đầy đủ lợi ích ở tuồi này, nhiều người không muốn tiếp tục lao động, gây lãng phí nguồn nhân lực. Đối với nữ, tuổi nghỉ hưu theo quy định này sẽ rút ngắn lộ trình sự nghiệp của họ so với nam giớ và làm giảm cơ hội, triển vọng thăng tiến, nắm các vị trí cao của nữ giới…
Theo khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN), tiền lương bình quân tháng của lao động nữ là 4,712 triệu đồng/tháng so với nam giới là 5,172 triệu đồng/tháng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, mức chênh lệch đáng chú ý vì kết quả khảo sát này từ các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ, trong những ngành nghề thu hút nhiều lao động nữ hơn nam giới.
Còn theo nhận xét của người lao động thì các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang ưu tiên tuyển dụng nữ với lý do các ngành nghề “phù hợp” với nữ hơn. Trên thực tế, đây là những ngành nghề có thu nhập thấp, như dệt may, da giày (tỷ lệ nữ chiếm 78,5% tổng lao động).
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết, qua khảo sát mong muốn của người lao động về thúc đẩy bình đẳng giới trong các khu công nghiệp, cho thấy họ mong muốn được hỗ trợ để có thu nhập ổn định; các thành viên trong gia đình chia sẻ công việc nội trợ, cùng chăm sóc con cái; đồng thời mong muốn được nâng cao nhận thức, kỹ năng trong công việc và cuộc sống; học tập nâng cao trình độ chuyên môn để có cơ hội phát triển trong công việc và sự nghiệp được ngang bằng với nam giới.
Để hỗ trợ lao động nữ, theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng, các cấp công đoàn tập trung tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện bình đẳng giới và các quyền của người lao động nữ; tham mưu giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của lao động nữ; hỗ trợ lao động nữ có việc làm bền vững và môi trường làm việc an toàn, bình đẳng…