Một ngày 31 độ C có thể cảm thấy nóng hơn cả một ngày 37 độ C nếu trời oi. Đó là do độ ẩm của không khí. Bạn sẽ luôn cảm thấy nóng hơn khi độ ẩm không khí cao hơn. Chẳng hạn như cảm giác cực kỳ oi bức và khó chịu trước một cơn mưa rào.
Nhưng tại sao lại vậy và làm cách nào để đối phó với kiểu thời tiết như thế này?
Chúng ta biết, độ ẩm là chỉ số đo lường lượng hơi nước có mặt trong không khí. Và có một nguyên lý thế này: Độ ẩm càng cao, cơ thể bạn thoát nhiệt càng kém hiệu quả.
Khi trời nóng, bạn đổ mồ hôi trên da. Nhiệt độ cơ thể truyền qua những hạt mồ hôi, làm nóng và bay hơi chúng vào không khí. Kết quả, cơ thể giảm nhiệt độ và bạn cảm thấy thoải mái hơn.
Thế nhưng, độ ẩm làm đảo lộn quá trình thoát nhiệt của cơ thể. Khi không khí đã có sẵn nhiều hơi nước, mồ hôi ở dạng lỏng khó bay hơi hơn. Chúng đọng lại trên da, giữ nhiệt, và đương nhiên: Bạn cảm thấy nóng hơn bình thường.
Một ví dụ cho bạn hình dung về sự ảnh hưởng của độ ẩm tới cảm giác nóng. Vào một ngày 31 độ C, độ ẩm 40%, bạn sẽ cảm thấy ngày đó nóng đúng mức 31 độ C. Nhưng nếu độ ẩm tăng lên 85%, bạn sẽ cảm thấy trời 31 độ C nóng tương đương với 38 độ C.
Đây cũng là lý do tại sao chương trình dự báo thời tiết luôn thông báo cả chỉ số nhiệt độ lẫn độ ẩm của một ngày. Nhiều khi, họ còn tính toán sẵn mức độ nóng mà bạn sẽ cảm thấy khi ở ngoài trời có độ ẩm cao. Dĩ nhiên, nhiệt độ "cảm thấy" này cao hơn so với nhiệt độ thực tế của ngày hôm ấy.
Những ngày oi nóng, độ ẩm cao có thể có một số tác động bất lợi đối với cơ thể con người . Oi nóng có thể khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, uể oải, không có năng lượng làm việc. Một số nghiên cứu cho thấy đó không đơn thuần là hiệu ứng tâm lý. Trời oi nóng có thể khiến não bộ bạn tiết ra một số hóa chất gây ức chế và ảnh hưởng tới tâm trạng.
Ngoài ra, độ ẩm cao có thể ngăn cản cơ thể giải phóng nhiệt, gây tăng thân nhiệt và dẫn đến các hậu quả khác như:
- Mất nước
- Mệt mỏi
- Chuột rút cơ bắp
- Kiệt sức
- Ngất xỉu
Người cao tuổi, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi kiểu thời tiết oi nóng này. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, kích thước cơ thể bé nhưng tỷ lệ diện tích da lớn khiến chúng dễ bị mất nước và dễ sốc nhiệt hơn.
Trẻ cũng hấp thụ nhiệt nhanh hơn và thường chưa hoàn thiện cơ thế thoát nhiệt tốt. Do đó, chúng cần phải được giữ trong môi trường mát và bù nước tốt (bằng sữa với trẻ sơ sinh và nước với trẻ nhỏ) vào những ngày oi nóng.
Đối với người già, cơ thể đã lão hóa cũng ảnh hưởng tới khả năng điều hòa thân nhiệt. Da của người cao tuổi tiết mồ hôi kém hiệu quả hơn người trẻ. Những người già mắc bệnh nền như tiểu đường, bệnh thận, tim mạch cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn trong thời tiết oi nóng.
Trong điều kiện oi nóng, các mạch máu của chúng ta giãn ra, làm tăng nhịp tim. Đối với những người có chức năng tim bất thường, những giai đoạn oi nóng này có thể làm trầm trọng tình trạng suy tim. Nhiều ca tử vong trong mùa nóng đã được ghi nhận xuất phát từ cơn đau tim.
Thời tiết oi nóng khiến bạn khó chịu hơn bởi độ ẩm làm giảm khả năng thoát nhiệt của cơ thể. Để đối phó với điều đó, chúng ta có một số cách sau:
- Giảm hoạt động: Đừng hoạt động nhiều trong những ngày oi bức. Vì hoạt động nhiều sẽ khiến bạn đổ mồ hôi nhiều hơn và khó thoát nhiệt hơn. Chẳng hạn, hãy sắp xếp để giảm tải công việc hoặc các buổi tập luyện ngoài trời của bạn vào một ngày khác có độ ẩm thấp hơn.
- Mặc quần áo phù hợp: Quần áo nhẹ, thoáng khí và sáng màu là lựa chọn tối ưu cho những ngày oi nóng. Đừng mặc các bộ đồ bó sát, bởi nó có thể bẫy mồ hôi trên da bạn và khiến chúng khó bay hơi hơn. Về chất liệu vải, bạn nên chọn các loại vải tổng hợp có công nghệ thấm hút mồ hôi. Chúng vừa có khả năng thấm mồ hôi ra khỏi da, vừa có khả năng khô nhanh để đẩy độ ẩm ra ngoài nó.
Quần áo cotton có thể là một lựa chọn trong điều kiện bạn không hoạt động nhiều và không đổ mồ hôi quá nhiều. Nhưng hãy đặc biệt cảnh giác khi chiếc áo cotton của bạn đã ướt sũng trong những ngày oi bức. Bởi quần áo cotton chỉ thấm mồ hôi tốt mà không thoát ẩm nhanh.
Mặc quần áo cotton và vận động nhiều khiến chúng ướt sũng ngoài trời nắng, rồi bạn ngay lập tức vào phòng điều hòa ngồi có thể đẩy bạn vào một trạng thái đối lập: hạ thân nhiệt. Bởi quần áo ướt có thể rút nhiệt ra khỏi cơ thể bạn nhanh gấp 25 lần so với quần áo khô. Đó là một cái bẫy, đôi khi có thể giết chết bạn giống như những người leo núi với quần áo ướt.
- Đừng sợ bật quạt: Có nhiều bài báo phương tây nói rằng chúng ta không nên bật quạt khi trời nóng hơn 35 độ C. Bởi điều đó có thể đẩy không khí nóng vào người bạn và làm gia tăng nguy cơ sốc nhiệt. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng trong trường hợp không khí nóng và khô.
Ngược lại, với khí hậu nóng ẩm và oi bức thường thấy ở Việt Nam, bật quạt thực sự có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và giảm nguy cơ sốc nhiệt. Bởi quạt làm nhiệm vụ đẩy hơi ẩm thoát ra khỏi da của bạn và giúp bạn hạ nhiệt tốt hơn.
- Uống nhiều nước: Bổ sung nước và chất điện giải là một điều nên làm trong những ngày oi bức. Nhờ đó, cơ thể bạn sẽ bù lại được lượng nước và chất điện giải khi đổ mồ hôi để chống chọi với cái nóng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn