Thị trường thời trang nhanh có ảnh hưởng và giúp ngành công nghiệp thời trang phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, tỉ lệ thuận với sự phát triển đó là những tác động xấu đến môi trường. Công nghiệp thời trang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu mỏ. Nó chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu do năng lượng được sử dụng trong sản xuất, chế tạo và vận chuyển. Bên cạnh đó, với sức hút của ngành thời trang nhanh, giá rẻ, nhiều người mua sắm sản phẩm nhưng không sử dụng lâu dài, dẫn đến vòng đời của sản phẩm ngắn, lượng quần áo thải ra môi trường ngày càng nhiều.
Trăn trở về điều này, các thành viên của Reeshare, một doanh nghiệp được thành lập từ tháng 4/2021, đã nghiên cứu ý tưởng thu gom quần áo đã qua sử dụng và bán lại cho những người cần. Đến nay, REshare đã thu gom và xử lý tuần hoàn được 50 tấn quần áo, sản phẩm thời trang. Anh Nguyễn Trung Nghĩa, Giám đốc điều hành của Công ty Reshare, cho biết, quy trình xử lý quần áo bắt đầu từ việc thu gom quần áo từ khách hàng, trong đó có những quần áo của người tặng, cũng có quần áo đã qua sử dụng bán với giá khá rẻ. Sau đó, REshare phân loại các món đồ, xử lý và làm phẳng quần áo có thể tái sử dụng. Sau khi các sản phẩm đã được làm mới, REshare sẽ chụp ảnh và đo thông số sản phẩm, định giá và đưa lên website, fanpage.
Qua 5 bước, REshare đã hoàn thành tái tạo một vòng đời mới cho sản phẩm. "Sản phẩm sau khi được đưa lên website thu hút nhiều đối tượng khác nhau, phần lớn là người đi làm và sinh viên. Trong năm 2023, chúng tôi sẽ tăng cường năng lực xử lý lên 100 tấn thời trang, tuần hoàn tái sử dụng khoảng 500 nghìn sản phẩm", anh Nguyễn Trung Nghĩa cho biết.
Chọn nền tảng thương mại điện tử để tuần hoàn sản phẩm trong ngành thời trang, REshare trở thành "cầu nối" để quần áo đã qua sử dụng có thể đến đúng nơi cần đến, tránh lãng phí và hạn chế rác thải ra môi trường. Mô hình của REshare được tham khảo từ dự án Thredup tại Mỹ, được nhóm nghiên cứu và phát triển cho phù hợp với thị trường Việt Nam và Đông Nam Á.
Đặc biệt, quy trình làm mới sản phẩm của đơn vị này hoàn toàn không qua máy móc hiện đại. Lý giải về điều này, anh Nghĩa cho biết, quy trình của REshare đảm bảo về mặt môi trường. Những sản phẩm không thể tái sử dụng được thì chỉnh sửa hoặc tái chế, với những sản phẩm không thể tái chế thì chuyển đến đơn vị thứ 3 để xử lý không phát thải.
Các thành viên của REshare hy vọng mô hình được nhân rộng sẽ giúp giảm lượng lớn rác thải thời trang ra môi trường, tuần hoàn quần áo và người có thu nhập thấp có thể sở hữu những món đồ chất lượng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn