TS Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) cho biết, cách đây hơn 10 ngày, Khoa tiếp nhận một bệnh nhân nam 57 tuổi nhập viện trong tình trạng khó nói, không ăn uống được, được chẩn đoán bị ung thư lưỡi đã xâm lấn. Niêm mạc sàn miệng trái, tuyến dưới hàm trái, nửa lưỡi trái bệnh nhân đều có tổn thương.
Gia đình cho biết, cách đây khoảng hơn 1 năm, bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện bất thường, trên lưỡi nổi những nốt nhỏ giống như bị nhiệt miệng và khi ăn thường bị cắn vào lưỡi. Gần đây, những bất thường ở lưỡi bệnh nhân tiến triển càng nhanh, các nốt “nhiệt miệng” đã biến thành những ổ loét chữa mãi không khỏi, bệnh nhân có dấu hiệu cứng lưỡi, khó cử động lưỡi và khi rất đau đớn… người bệnh mới chịu đi bệnh viện.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt tiến hành phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ phần lưỡi trái của bệnh nhân đến tận gốc lưỡi, nạo vét sàn miệng, hạch cổ, hạch hàm… Sau đó, kíp mổ đã lấy vạt da và cơ vùng đùi ngoài của bệnh nhân để tạo hình lưỡi, che phủ sàn miệng bằng phương pháp nối vi phẫu. Ca mổ kéo dài 9 giờ liên tục, vì lưỡi đã bị cắt bỏ toàn phần nên việc nối cắt dây thần kinh, động tĩnh mạch khá phức tạp. Hơn nữa, do sàn miệng có diện tích lớn, nên để vùng tái tạo sàn miệng sống được khá khó.
Bệnh nhân dần bình phục sau phẫu thuật
Trên thế giới đã có nhiều nước áp dụng kỹ thuật tái tạo lưỡi trong điều trị ung thư lưỡi. Kỹ thuật có nhiều ưu điểm trong điều trị như vạt da cơ là dễ bóc tách, không để lại tổn thương lớn; bệnh nhân được tạo hình sau đó mới hóa chất và xạ trị, nên chất lượng sống cao hơn, thời gian sống kéo dài hơn.
Nếu chỉ cắt bỏ phần lưỡi bị bệnh rồi hóa trị , xạ trị mà không tái tạo lại lưỡi sẽ khiến khoang miệng của bệnh nhân không khép được, các tổn thương sau phẫu thuật khó lành, lâu lành và thường bị nhiễm trùng, loét lan rộng, hoại tử xương hàm bốc mùi hôi thối… Đặc biệt, bệnh nhân khó ăn, uống nên suy kiệt và sẽ tử vong vì những nguyên nhân này chứ không phải chết vì ung thư.
Tuy nhiên, với phương pháp tái tạo lưỡi, bệnh nhân không chỉ được loại bỏ trọn vẹn khối u, mà còn được hồi phục chức năng của lưỡi (nói được, ăn uống dễ dàng, cảm giác nóng, lạnh…) giúp người bệnh có được cuộc sống bình thường.
Chi phí cho ca phẫu thuật tái tạo lưỡi khoảng trên 50 triệu đồng.