Taliban chính thức công bố quy định về giáo dục: Nam nữ phải học tách biệt

11:56 | 13/09/2021;
Chính quyền Taliban vừa chính thức ban hành quy định mới đối với giáo dục. Theo đó, phụ nữ có thể được đi học nhưng không được học cùng nam giới.

Chính sách giáo dục của Taliban khác với lời hứa trước đó

Thông báo mới về chính sách giáo dục được đưa ra vào ngày 12/9/2021, 1 ngày sau khi chính quyền Taliban chính thức giương cờ trên dinh tổng thống, khẳng định sự ra đời của chính quyền mới. Thông báo được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông Abdul Baqi Haqqani, rằng phụ nữ Afghanistan có thể đi học nhưng sẽ không được học chung với nam giới. Các trường học sẽ được phân khu dành cho nam sinh hoặc nữ sinh riêng biệt. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục cũng cho biết đang xem xét chương trình giảng dạy mới cho sinh viên.

Khi Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, chính quyền đã cấm phụ nữ và trẻ em gái được đến trường học tập. Khi Taliban quay lại nắm chính quyền vào ngày 15/8/2021, họ tuyên bố phụ nữ có thể tham gia học tập và thậm chí tham gia vào ban lãnh đạo. Tuy nhiên, công bố lần này về chính sách giáo dục có vẻ đã đi ngược lại "lời hứa" trước đó.

"Chúng tôi muốn tạo ra một chương trình giảng dạy hợp lý, phù hợp với các giá trị Hồi giáo, giá trị quốc gia và lịch sử của đất nước nhưng cũng có thể cạnh tranh với nền giáo dục của các nước khác", ông Haqqani cho biết.

83bde841-5865-4e7f-abad-45477f39fbeb.jpg

Một lớp học tại Afghanistan có giáo viên là phụ nữ. Ảnh: BBC

Thay thế Bộ Phụ nữ bằng Bộ Thứ trưởng và Đức hạnh

Chính sách lần này đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn trong những gì chính quyền Taliban "nói" và "làm". Trước đó, Taliban "hứa" rằng sẽ không áp dụng bất cứ phân biệt nào đối với học sinh, sinh viên nữ, không áp dụng đồng phục, nam giới và nữ giới có thể học chung trong một môi trường.

Tuy nhiên, ông Haqqani không hề "gượng" đối với những thay đổi trong tuyên bố chính thức lần này. Ông cho biết: "Chúng tôi không gặp bất cứ vấn đề gì trong việc chấm dứt hệ thống giáo dục hỗn hợp. Người dân theo đạo Hồi và họ sẽ chấp nhận sự phân chia trong giáo dục như vậy".

Một số ý kiến cho rằng phân chia môi trường giáo dục theo giới tính có thể tách biệt phụ nữ ra khỏi hệ thống giáo dục vì các trường đại học không có đủ nguồn lực, cơ sở vật chất và giảng viên nữ để tổ chức các lớp học riêng biệt dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, ông Haqqani khẳng định có đủ giảng viên nữ và sẽ tìm các giải pháp thay thể ở những địa phương không có đủ giảng viên hoặc cơ sở vật chất.

"Tất cả phụ thuộc vào hạ tầng của các trường đại học. Chúng ta có thể phân bổ giảng viên nam để dạy cho phụ nữ nhưng sẽ dạy từ sau một bức màn. Hoặc chúng ta sẽ sử dụng công nghệ cho những nơi không có đủ giảng viên nữ", ông Haqqani cho biết.

Không chỉ đối với sinh viên đại học, trẻ em gái và trẻ em trai cũng sẽ học riêng biệt ở các trường tiểu học và trung học trên khắp Afghanistan. Ngoài ra, đeo khăn trùm đầu là bắt buộc đối với tất cả phụ nữ.

Chính phủ mới cũng đã thay thế Bộ Phụ nữ bằng Bộ Thứ trưởng và Đức hạnh. Bộ này có nhiệm vụ thực thi luật Sharia trong thời kỳ Taliban nắm quyền trước đó. Bộ có nhiệm vụ trừng phạt phụ nữ bằng cách đánh đập nếu họ vi phạm như ăn mặc không đúng quy định hoặc ra ngoài mà không có nam giới giám hộ đi cùng.

Taliban chính thức công bố quy định về giáo dục: Nam nữ phải học tách biệt - Ảnh 2.

Sinh viên che mặt tham gia cuộc biểu tình Taliban tại Đại học Giáo dục Shaheed Rabbani ở Kabul (Afghanistan) ngày 11/9/2021. Ảnh: BBC

Những tiến bộ Afghanistan đạt được trước khi Taliban cầm quyền trở lại

Quay lại quãng thời gian khi Taliban chưa kiểm soát đất nước Afghanistan trước ngày 15/8/2021, nhiều tiến bộ trong nền giáo dục nói chung và phát triển toàn diện đất nước nói riêng đã được chinh phục.

Trong giáo dục, tỷ lệ đăng ký đi học và biết chữ của người dân được cải thiện đáng kể, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Một báo cáo gần đây của UNESCO cho thấy, số lượng trẻ em gái được học tiểu học đã tăng từ gần 0 lên 2,5 triệu trẻ trong năm 2017. Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ nữ giới biết chữ đã tăng gần gấp đôi trong một thập kỷ, đạt gần 30%.

Không chỉ trên phương diện giáo dục, phương diện kinh tế, xã hội và những mặt khác của đất nước cũng phát triển đáng kể trong 20 năm sau khi Taliban mất quyền kiểm soát từ năm 2001. Tuy nhiên, khi Taliban quay lại lần này, không ai chắc chắn rằng vận mệnh quốc gia sẽ thay đổi ra sao. Đặc biệt, sẽ không ai lường trước được tương lai của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan dưới thời Taliban.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn