'Tấm lòng rộng mở' của bác sĩ Tạ Thị Chung

00:14 | 08/03/2016;
Người nữ bác sĩ - Anh hùng lao động Tạ Thị Chung, dù ở độ tuổi 85 vẫn còn gắn bó với bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) bền bỉ và thầm lặng. Những bí ẩn về cuộc đời của bà vừa được “bật mí” trong cuốn sách “Tấm lòng rộng mở” ra mắt độc giả vào sáng 4/3.

Xuất hiện tại buổi giao lưu ấy là người người phụ nữ đầu đã bạc trắng, gương mặt phúc hậu có nhiều nếp nhăn nhưng có những điều không thay đổi là nụ cười ấm áp, cử chỉ dịu dàng để lặng lẽ chăm sóc cho những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam sống trong làng Hòa Bình của bệnh viện Từ Dũ.

4.jpg
Bà Hai Chung gắn bó công việc với bệnh viện Từ Dũ dù đã ở tuổi 85.
1.jpg
Bạn đọc tới tham dự buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách.

Bà Tạ Thị Chung (Hai Chung), sinh năm 1931, tại xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Với truyền thống Cách mạng của quê hương Đồng Khởi, từ tuổi niên thiếu, bà đã tham gia công tác phụ nữ xã và trở thành nữ y tá, hoạt động khắp chiến tranh miền Nam.

Đảm nhiệm chức Phó Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy bệnh viện Từ Dũ từ năm 1975, đến 1998, bà Hai Chung là một trong những người sáng lập nên Làng Hòa Bình. Ý tưởng lập một nơi chăm sóc trẻ em nạn nhân chất độc da cam xuất phát từ thực tế nhiều em bé dị tật sinh ra bị gia đình bỏ rơi ngay tại Từ Dũ. Rồi bà lại tiếp tục nảy ý tưởng xây dựng một nhà tạm lánh cho những phụ nữ mang thai không nơi nương tựa, các cô gái trẻ lầm đường lỡ bước để giúp họ được chăm sóc đầy đủ trong thời gian chờ con ra đời. Đến nay, nhà tạm lánh đã cưu mang cho hàng trăm cô gái bơ vơ được mẹ tròn con vuông.

2.jpg
Bác sĩ Hai Chung (trái) nhận hoa chúc mừng của bà Nguyễn Thị Thắm - Giám đốc Bảo tàng phụ nữ Nam bộ.

Nhìn lại 85 năm cuộc đời, bà Hai Chung hài lòng là được làm việc trong bệnh viện chuyên khoa phụ nữ, giúp những người mẹ trẻ và chăm sóc các em khuyết tật. Khi về hưu, bà vẫn hiện diện trong cái góc bé nhỏ ở làng Hòa Bình, đôi khi chỉ để nhẹ nhàng đưa ra một lời khuyên, lặng lẽ lau những giọt nước mắt, dịu dàng xoa dịu những cơn đau…

Bà Hai Chung xuất thân trong một gia đình có 4 liệt sĩ, 4 anh hùng; bà không thể sống khác với những gì bà đã dấn thân trong chiến tranh và hòa bình. Một nữ bác sĩ được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới thật có quá nhiều điều để viết về con người, cuộc sống và công việc của bà.

DSC_7446_Fotor.jpg
Nữ nhà văn Trầm Hương (phải) đã chấp bút cho cuốn sách nhiều ý nghĩa về cuộc đời, công việc của bà Hai Chung.
Nhà văn Trầm Hương, chủ biên cuốn sách, tâm sự: “Để đi tìm ẩn số về cuộc đời bà Hai Chung - người phụ nữ đẹp như đóa sen giữa đời thường, tôi phải đi ngược về quá khứ, tìm lại những con người, kết nối những cảm nhận. Trong quá trình ấy, tôi tìm ra một điều cốt lõi thật giản dị: Đó là phụ nữ có tấm lòng rộng mở như tựa bài của cố Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp viết về bà; người phụ nữ dệt hồ lô của lòng nhân ái như cách nói của nhà thơ Lê Giang, về một kỹ sư tâm hồn như cách gọi của bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh, về bản lĩnh cô Hai Chung với nụ cười đôn hậu như nhận định của giới truyền thông đương đại…”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn