"Tống cựu nghinh tân" tiễn cái cũ đi, đón cái mới đến là nét đẹp văn của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán.
Theo quan niệm của các cụ từ xa xưa, muốn đón được cái mới thì người đón trước hết phải dọn mình sạch sẽ, tinh tươm, gác lại tất cả những âu lo, bực dọc.
Cùng với việc lau dọn, sắp xếp lại nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, tẩy trần cuối năm là việc ai cũng làm, với mong muốn xua bỏ đi những điều xui xẻo, kém may mắn trong năm cũ để đón chào những điều tốt đẹp đến trong năm mới.
Tục tắm nước mùi già vào ngày 29, 30 Tết chính là để tẩy trần, được nhiều gia đình duy trì cho đến tận ngày nay. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, hương thơm ngào ngạt từ nồi nước mùi già phảng phất trong chiều se lạnh đã góp phần tạo nên không khí đặc trưng của Tết.
Theo các nghiên cứu khoa học, trong lá, quả, thân, rễ cây mùi già đều chứa tinh dầu, có tác dụng diệt khuẩn, làm thông thoáng hệ hô hấp và tăng cường tuần hoàn. Vì vậy nên khi tắm nước đun cây mùi già, người tắm sẽ có cảm giác dễ chịu, khoan khoái, khỏe mạnh hơn.
Hơn nữa, hương thơm tự nhiên từ tinh dầu mùi già là loại hương có tần số cao, có thể giúp để thanh tẩy những năng lượng xấu của cơ thể. Do đó, người xưa cho rằng, tắm nước lá mùi già vào dịp cuối năm sẽ tẩy uế bụi trần, xua đi những điều không may mắn của năm cũ để đón năm mới với khởi đầu mới tốt đẹp hơn.
Ngoài việc dùng để tắm, nước lá mùi còn được sử dụng để lau dọn bàn thờ, xông nhà ngày tất niên để thể hiện sự tôn trọng với ông bà, tổ tiên.
Chính vì vậy, dù cuộc sống hiện đại có nhiều loại mùi hương thơm, nhưng mỗi dịp cuối năm, Tết đến, tẩy trần bằng nồi nước mùi già vẫn là nét đẹp truyền thống của nhiều gia đình người Việt.
Cách để nấu nước mùi già tẩy trần đón Tết:
- Chuẩn bị 2-3 bó lá mùi cho 1 nồi nước. Nên lựa chọn loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía. Mùi càng già, càng chứa nhiều tinh dầu, càng thơm.
- Nhẹ nhàng rửa sạch cả thân rễ, hoa, lá, quả… .
- Cho lá mùi đã rửa vào nồi nước, đun sôi lăn tăn để mùi tiết ra tinh dầu và hương thơm.
- Lưu ý: Không sử dụng nước quá đặc để rửa mặt, tắm gội và không sử dụng nước mùi để tắm khi trên người có vết thương hở hoặc có làn da mẫn cảm, dễ bị dị ứng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn