Câu chuyện về một ông bố ở Trung Quốc cho con trai tắm dưới sông Lưu Dương trong điều kiện nhiệt độ lạnh giá làm cư dân mạng tranh luận về việc tắm nước lạnh vào mùa Đông lợi hay hại. Nhiều ý kiến cho rằng, nước lạnh làm co mạch dưới da giúp máu huyết được lưu thông, giúp thải độc tố, đặc biệt là giúp tim hoạt động hiệu quả hơn.
Ông bố trong câu chuyện tại Trung Quốc cũng cho biết, việc cho con trai tắm dưới sông là muốn cho con đi học bơi vào mùa Đông để nâng cao thể lực bởi ông ngày trước cũng được rèn luyện như vậy.
Cũng ở Việt Nam, một số người chia sẻ bắt đầu tắm nước lạnh mùa đông từ lâu, nhưng chưa thấy xuất hiện biến chứng hay dấu hiệu nguy hiểm nào, đồng thời họ rất đồng tình với quan niệm tắm nước lạnh vào mùa Đông giúp họ khỏe hơn, tim hoạt động tốt hơn.
Ông Nguyễn Văn Nhật (72 tuổi ở TP Vinh, Nghệ An) cho biết, từ khi cắt khối u ở cổ, bác sĩ khuyên tắm rửa bằng nước ấm thì ông thấy rất mệt. Sau khi chuyển sang tắm nước lạnh, ông cảm thấy mình khỏe hơn, nhiều năng lượng hơn. Từ đó ông chuyển hẳn sang tắm nước lạnh, kể cả vào mùa Đông.
Chị Vũ Thu Trang (23 tuổi, Mai Động, Hà Nội) đã duy trì thói quen tắm gội bằng nước lạnh mùa đông từ nhiều năm nay, chị chia sẻ mình cảm thấy vẫn khỏe, da mịn và mềm hơn, chưa bao giờ bị cảm lạnh hay bị ốm.
Bày tỏ quan điểm về thói quen tắm nước lạnh vào mùa đông của ông bố Trung Quốc, PGS TS Nguyễn Tiến Dũng (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng ĐÂY LÀ QUAN ĐIỂM KHÔNG CÓ CĂN CỨ. Không có nghiên cứu khoa học nào nói rằng việc tắm nước lạnh giữa trời Đông có thể nâng cao thể trạng cho trẻ em.
Ông đặc biệt khuyến cáo phụ huynh không nên làm theo bởi cơ thể của trẻ em còn yếu, tắm nước lạnh dễ gây viêm phổi, viêm hô hấp, sốt cao, cảm lạnh, thậm chí tử vong. Tuyệt đối không nên nghe theo mà áp dụng dễ gây ra những nguy hiểm khó lường.
Đồng quan điểm với bác sĩ Dũng, Th.Bs Võ Tường Kha (Bệnh viện Y học thể thao Việt Nam) cho rằng, việc tắm nước lạnh vào mùa Đông đa phần là thói quen được rèn luyện từ trước đó, tập luyện nhiều mới thích nghi được.
Ông cũng cho rằng, đây là thói quen rất nguy hiểm nếu không kiểm soát được cơ thể. Nếu khỏe mạnh, rèn luyện từ trước đó thì tắm nước lạnh có mặt tốt đối với sức khỏe nhưng khi yếu, hoặc chưa từng tắm nước lạnh sẽ gặp phải tai biến co thắt mạch máu não, ảnh hưởng đến tim, dễ dẫn đến đột quỵ.
Các chuyên gia cũng khẳng định, việc tắm nước lạnh vào mùa Đông ở một vài trường hợp cũng sẽ có lợi ích. Những người rèn được thói quen tắm nước lạnh vào mùa Đông không hiếm, nhưng đa phần họ là những người có sức khỏe tốt, ví dụ đang hoạt động trong môi trường thể thao, quân đội hoặc ở trên vùng cao, luyện tập để cân bằng với môi trường nước lạnh.
Nếu luyện được việc tắm nước lạnh vào mùa Đông sẽ giúp cơ thể hòa đồng với thời tiết bên ngoài, ít bị cảm lạnh, sức đề kháng tốt hơn. Nhưng cần phải rèn luyện từ từ, kiểm soát tốt.
Trường hợp của ông Nguyễn Văn Nhật, ông chia sẻ: Sáng ngủ dậy mặc quần áo ấm, mỏng và tập thể dục khởi động cơ thể. Trước khi tắm nước lạnh, ông xoa ngực và mặt vài lần để giúp cơ thể ấm lên, xoa xong ông bắt đầu dội nước từ đầu xuống chân. (Tuy nhiên, khoa học không khuyến cáo việc dội nước đột ngột từ đỉnh đầu xuống, cần tắm theo trình tự: Rửa mặt - rửa tay chân và lên cao dần phần thân trên - tắm toàn thân - gội đầu)
Trường hợp của chị Trang tắm nước lạnh đơn giản như tắm nước ấm: Đổ nước ra chậu, sau đó dội từ dưới chân lên dần trên người. Khi tắm xong lau khô, mặc quần áo ấm rồi mới ra ngoài. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng tất cả những kinh nghiệm tắm nước lạnh của ông Nhật hay chị Trang hoặc các thông tin trên mạng đều không có căn cứ khoa học, tuyệt đối không nên tùy tiện áp dụng bởi mỗi cơ thể sẽ có sức chịu đựng khác nhau.
Cũng có ý kiến cho rằng, nước lạnh giúp chữa các vấn đề về xoang và hô hấp, một số trường hợp chia sẻ họ đã hết các triệu chứng khó chịu ở mũi và khò khè ở họng sau khi tắm nước lạnh 2 ngày. Tắm luân phiên giữa nước nóng và nước lạnh sẽ giúp duy trì lưu thông các cơ quan trong cơ thể và trên da.
Tất cả kinh nghiệm và quan điểm về lợi ích của tắm nước lạnh vào mùa đông đều chưa có kiếm chứng, tuyệt đối không nên thử hoặc cố áp dụng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn