Anh Trần Nam (31 tuổi, ở Hà Nội) có thời gian tìm hiểu vợ trong 7 năm trước khi tiến đến hôn nhân. Cách đây 2 năm, cả hai đã "về chung một nhà", cùng góp vốn mua căn chung cư. Sắp tới họ còn dự định mua thêm xe ô tô và đầu tư kinh doanh.
Thời điểm mới quen biết, thu nhập của Trần Nam và vợ đều ngang nhau, khoảng 30-40 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, hiện tại mức lương của cặp đôi có sự chênh lệch rõ rệt khi vợ anh nhận thêm công việc ngoài, trong khi thu nhập của Nam vẫn không thay đổi.
"Mình làm nhân viên sale của phòng tập, kiếm 40 triệu đồng/tháng. Vợ mình làm trong một công ty truyền thông, còn nhận thêm công việc ngoài giờ nên tiền lương tăng đến 60-70 triệu đồng", Nam kể.
Với Trần Nam, sự chênh lệch về tiền lương giữa vợ chồng ít nhiều tạo nên sức ép tâm lý. Trước khi kết hôn, những chênh lệch này không phải vấn đề lớn vì cả hai cũng chỉ gặp nhau, ăn uống hay thỉnh thoảng đi du lịch. Cuộc sống hôn nhân mới phát sinh nhiều vấn đề khi Trần Nam và vợ đều nhận thấy phải chi tiêu cho nhiều khoản tiền hơn so với thời độc thân.
Nam nhớ, thời điểm anh nhận thấy cả hai bắt đầu có chêch lệch về thu nhập là khi chuẩn bị cưới. Đây cũng là quãng thời gian khó khăn với Nam vì tình hình dịch bệnh đã khiến anh lâm vào cảnh thất nghiệp.
"Trước khi kết hôn, chúng mình đã dành sẵn một khoản để tổ chức hôn lễ. Chi phí phát sinh khi làm đám cưới cũng nằm trong kế hoạch.
Điều khiến mình suy nghĩ nhiều là mới cưới xong, có rất nhiều khoản chi tiêu bạn cần lo, ví dụ như tiền thuê nhà to hơn, tiền biếu nội ngoại hai bên, tiền mua sắm nội thất... nhưng thu nhập của mình suốt mấy tháng gần như bằng 0. Bởi vì trong dịch Covid-19, làm gì còn mấy người đến phòng tập thể hình nữa. Mất khách, mình cũng mất luôn tiền lương", Nam hồi tưởng lại.
Cũng vì thế, khi trạng thái bình thường mới được thiết lập, Trần Nam "lao đầu" vào làm việc, để bù lại khoản thu nhập đã mất. Khi tiền lương của Trần Nam dần ổn định, cũng là lúc vợ anh kiếm được nhiều tiền gấp 1,5 - 2 lần so với trước.
Khi được hỏi, sự chệch lệch tiền lương giữa hai vợ chồng có ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân hay không, Nam nói là tùy cách lựa chọn thái độ sống của mỗi người. Với riêng gia đình Trần Nam, câu trả lời là "không".
"Trong hôn nhân, không ai phải cũng dễ dàng chấp nhận kiếm ít tiền lương hơn đối phương, kể cả dưới vai trò chồng hay vợ. Riêng cuộc sống hôn nhân trong gia đình mình, vợ kiếm được nhiều tiền nhưng tình cảm đôi bên vẫn như cũ. Vợ tôn trọng ý kiến và lắng nghe quan điểm tài chính từ chồng. Mình có tiền cũng đưa hết cho vợ quản lý chi tiêu. Cuối tháng, cả hai cùng kiểm tra lại tổng thu nhập xem chúng mình đã dùng vào nguồn tiền nào", Nam chia sẻ.
Nam cũng nhận định, nếu chồng hoặc vợ kiếm được ít tiền hơn đối phương thì về lâu dài, tâm lý tự ti có thể nảy sinh. Để tránh cuộc sống hôn nhân bị ảnh hưởng bởi sự chêch lệch thu nhập, cặp đôi đã thống nhất một số nguyên tắc sau:
- Tiền lương quy về một mối
Sau khi nhận được tiền lương, Trần Nam chỉ giữ một số tiền cố định làm sinh hoạt phí, còn lại anh đưa hết cho vợ để quản lý chi tiêu.
"Mình tin vợ có khả năng quản lý tài chính khá tốt. Nếu đưa hết tiền cho vợ, khả năng cãi nhau sẽ ít hơn vì vợ luôn ghi rõ chi tiêu khoản nào, còn biết vun vén từng khoản tiền để làm tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Ngoài ra, tiền lương được chuyển về một tài khoản cũng giúp vợ chồng tạo niềm tin cho hôn nhân, cũng như kiểm soát biến động về thu nhập hàng tháng", Nam giải thích.
- Trao đổi minh bạch về các khoản chi tiêu hàng tháng
Trong thời gian sắp tới, vợ chồng Trần Nam dự định sinh con và mua ô tô. Bên cạnh đó, họ còn đang đầu tư kinh doanh. Do đó, "tiết kiệm" là mục tiêu hàng đầu trong quản lý tài chính của cặp đôi.
"Sự minh bạch chi tiêu thể hiện việc chúng mình thường kiểm tra lại các khoản tiền ra vào cuối tháng. Hoặc khi có bất kỳ sự cố nào phát sinh cần dùng số tiền lớn, mình và vợ đều ngồi bàn bạc, chứ không có chuyện vợ hoặc chồng có toàn quyền quyết định việc chi tiền.
Nếu chủ động kê khai từng khoản tiền hàng tháng, chúng mình tránh lãng phí tiền bạc. Hơn nữa, không ai cảm thấy mình không được tôn trọng khi nói đến việc dùng tiền nong trong gia đình".
Chú Lê Thành (51 tuổi, TP Hà Nội), làm kinh doanh tự do, kết hôn với vợ kém 1 tuổi là giáo viên. Sau 28 năm kết hôn, 3 người con của chú Thành đều trưởng thành và có công việc ổn định.
Tuy nhiên, chú Thành vẫn nhận làm quản lý cho một xưởng gỗ nhỏ ở vùng ngoại thành, thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng. Được biết, trước khi tiến đến làm vị trí quản lý, chú Thành từng thất nghiệp vì tuổi tác cao nên không còn theo đuổi được công việc tay chân như trước.
Chú Thành nói có nhiều người khuyên chú tầm tuổi này có thể bắt đầu nghỉ ngơi, nhưng chú không đồng ý.
"Thứ nhất, mình đi làm vì nếu ở nhà thời gian dài, tâm trạng buồn bực dễ nảy sinh. Thứ hai, chú nhận lời làm thêm vì muốn tăng thu nhập, tiết kiệm một khoản để dành tiền mua đất, mua vàng cho các con. Thứ ba, cũng là lý do quan trọng nhất là vợ còn đi làm".
Nói riêng vấn đề chi tiêu, dù tiền lương nhận được ít hay nhiều, mỗi tháng chú đều đưa hết thu nhập kiếm được cho vợ. Bên cạnh đó, suốt hàng thập kỷ kết hôn, chú Thành nói thời điểm vợ hoặc chồng chú kiếm được nhiều tiền hơn đối phương không phải chuyện hiếm. Chú cho rằng quan điểm "trụ cột gia đình" ngày nay đã khác trước. Vợ hay chồng đều phải chung tay gách vác, nếu vợ có thu nhập cao hơn chồng cũng không phải vấn đề to tát.
"Khi vợ kiếm nhiều tiền hơn, chú coi đây là động lực phấn đấu hơn là mục tiêu để ghen tỵ. Nếu cứ đem ra so sánh thu nhập thì rất khó sống.
Cách đây 10 năm, thu nhập của chú có khi gấp 2-3 lần tiền lương giáo viên của vợ. Vì công việc đó kiếm được lời do gặp thời. Giờ mình không kiếm được nhiều tiền do tuổi tác cao thì không cần tính toán đến sự chênh lệch giữa đôi bên. Gia đình nào cũng có trụ cột, nhưng vợ hay chồng là trụ cột không quan trọng. Miễn cả hai có đủ khả năng để lo cho gia đình, thế là được", chú Thành tâm sự.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn