Cách đây gần 600 năm, vào thế kỷ 15, một nữ doanh nhân đã làm nên kỳ tích khi đưa sản phẩm gốm của Việt Nam phát triển tới giai đoạn cực thịnh, nổi danh khắp năm châu bốn biển. Đó là bà tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý.
Theo sử sách ghi lại, bà Bùi Thị Hý sinh ra ở làng Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, thời Lê sơ (đầu thế kỷ 15) gọi là trang Quang Ánh. Ngay từ nhỏ, bà đã thông kinh sử, giỏi thơ phú, giỏi vẽ, thích võ và trượng nghĩa. Bà giao du với sĩ tử ở nhiều nơi. Trong một lần dùng thuyền lớn đi chơi hội đền Kiếp Bạc, bà đã gặp và kết duyên với ông Đặng Sĩ, làng Chu Đậu. Sau khi lấy chồng, bà cùng chồng dựng lò làm nghề, chế tác đồ sứ bán cho các thương nhân trong và ngoài nước. Trong một lần làm ra chiếc bình gốm hoa lam, bà đã phóng bút viết vào sản phẩm: "Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút". Sản phẩm đó lưu lạc đến tận Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không may, chồng bà mất trên biển khi đang đi giao thương, buôn bán. Trong 3 năm chịu tang, để quên đi nỗi đau mất chồng, bà lao vào truyền nghề và sáng tạo ra nhiều sản phẩm mới. Sau này, bà tái hôn và tiếp tục sản xuất, bán hàng gốm, sứ đi các nước.
Có thể nói, những "bão giông" của số phận vẫn không dập tắt được khát khao sáng tạo và tâm huyết dành cho nghề gốm của bà Bùi Thị Hý. Qua bàn tay tài hoa của bà và các nghệ nhân, dòng gốm Chu Đậu đã được thế giới biết đến với nước men sáng, hoa văn trang trí tinh xảo đạt được 4 tiêu chuẩn mà gốm ở nhiều nơi không đạt được. Đó là mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông. Năm 2012, bà Bùi Thị Hý được phong tặng danh hiệu Tổ nghề. Tháng 11/2017, doanh nhân Bùi Thị Hý được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam truy tặng cúp Bông Hồng Vàng.
Đầu thế kỷ XX, bà Hoàng Thị Minh Hồ (1914 - 2017) là hình mẫu cho một thế hệ phụ nữ dám nghĩ, dám làm, đại diện cho thế hệ nữ doanh nhân "vàng" của thời đại mới. Sinh năm 1914 trong một gia đình giàu có bậc nhất Hà thành nhưng cô tiểu thư Hoàng Thị Minh Hồ không bằng lòng với cuộc sống nhung lụa ở nhà nội trợ như những phụ nữ xưa. Năm 13 tuổi, bà đã quán xuyến cả sạp vải lớn nhất phố Hàng Đào của gia đình. Năm 20 tuổi, bà cùng chồng là doanh nhân Trịnh Văn Bô có cửa hàng tơ lụa riêng và kinh doanh phát đạt. Nhờ chữ tín trong kinh doanh, cửa hàng Vạn Lợi của gia đình doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ đã được thương gia nước ngoài biết đến và bà kinh doanh, buôn bán với các nước trong khu vực.
Đến nay, triết lý kinh doanh của bà Hoàng Thị Minh Hồ vẫn được nhiều thế hệ doanh nhân ghi nhớ. Đó là trong làm ăn thì phải tính cho được lỗ, lãi. Làm được 10 đồng thì giữ lại 7 đồng, còn 3 đồng để làm từ thiện. Và khi cần cứu nền độc lập thì hiến tất cả. Với triết lý kinh doanh đầy trách nhiệm đó, doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ đã cùng chồng đóng góp cho Cách mạng hơn 5.000 lượng vàng (chiếm tới 95% tài sản của mình).
Từ câu chuyện của những nữ doanh nhân trong lịch sử, có thể nhận thấy, những người phụ nữ Việt Nam thời điểm nào cũng vậy, luôn dành mọi tâm huyết và khát vọng cống hiến. Họ làm tốt công việc kinh doanh nhưng vẫn không quên trách nhiệm với cộng đồng. Những truyền thống tốt đẹp đó đã và đang được các thế hệ nữ doanh nhân ngày nay gìn giữ, phát huy, đưa trí tuệ, tài năng của những thế hệ doanh nhân Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn