Từ đây, chị Phương được một nick facebook có tên là Vũ Thanh Huyền giới thiệu việc chốt đơn. Theo đó, chị Phương chỉ cần làm nhiệm vụ đặt mua sản phẩm mà bên Huyền gửi link đến, sau đó chuyển tiền vào tài khoản để chốt đơn hàng tương ứng với giá sản phẩm. Sau khi thực hiện xong, chị Phương sẽ được hoàn lại tiền vốn cùng số lãi khoảng 15%-20%.
Sau những lần đầu thực hiện, chị Phương được phía Vũ Thanh Huyền thanh toán đều đặn. Cứ thế, các nhiệm vụ chốt đơn về sau càng tăng giá trị lớn hơn, đồng nghĩa với việc chị Phương phải bỏ ra số tiền lớn hơn để thực hiện chốt đơn.
Sau khoảng 20 đơn, số tiền lãi của chị Phương nhận được lên tới 35 triệu đồng. Điều này càng khiến chị hào hứng và tin tưởng. Đến khi thực hiện nhiệm vụ với đơn hàng hơn 100 triệu đồng, chị Phương chẳng mảy may nghi ngờ, cứ thế thực hiện chuyển tiền.
Nhưng lần này, chị Phương đã không còn nhận được số tiền hoàn lại cùng khoản lợi nhuận nữa. Thay vào đó, nick Vũ Thanh Huyền nhắn cho chị Phương biết: Đơn hàng bị lỗi hệ thống, chị Phương phải chuyển thêm một đơn với số tiền hơn 100 triệu đồng nữa mới được hoàn tiền về.
Do lo mất số tiền trước đó, chị Phương đã xoay xở để có đủ số tiền nộp vào theo yêu cầu. Nhưng ngay sau khi nộp, chị Phương lại nhận được yêu cầu phải chốt thêm đơn 55 triệu đồng nữa để lên cấp thì mới nhận được cả tiền lãi và gốc.
Lại thêm lần nữa, chị Phương làm theo và nộp thêm tiền. Nhưng sau đó, nick Vũ Thanh Huyền đã chặn toàn bộ liên lạc với chị Phương. Lúc này, chị Phương mới biết mình đã bị lừa và mất trắng số tiền hơn 300 triệu đồng.
Sau khi bị lừa số tiền lớn, vợ chồng chị Phương đã xảy ra cãi vã liên tục, khiến chị Phương phải ôm con về nhà bố mẹ đẻ. Sau 5 tháng kể từ khi bị lừa, vợ chồng chị Phương vẫn chưa thể làm hòa, chồng chị còn đòi ly hôn, khiến chị Phương vô cùng đau xót.
Một trường hợp khác là chị Nguyễn Phương Thảo (ở Hòa Bình) bị sập bẫy lừa mất hơn 1 tỷ đồng. Chia sẻ với phóng viên Báo PNVN, chị Thảo cho biết: "Tôi bị dụ dỗ tham gia bán hàng trực tuyến, tôi thấy bùi tai nên cũng thử, bởi không bán được thì cũng chẳng mất gì.
Thế nhưng khi tôi đăng tin bán hàng, có nhiều khách hàng vào chốt đơn. Mỗi đơn hàng online đó tôi đều lãi từ 10%-15%. Sau một thời gian ngắn, tôi kiếm được cả trăm triệu đồng tiền lãi, thành ra ham quá.
Đến một ngày, tôi nhận được đơn đặt hàng trị giá vài trăm triệu đồng. Hoàn thành đơn này, tôi có thể lãi được 20% số vốn đầu tư. Nên tôi đã đi vay mượn thêm. Lúc mình ham quá thì không còn tỉnh táo cảnh giác nữa, cứ thế chuyển tiền theo chỉ dẫn của họ một cách u mê để thực hiện đơn hàng.
Lúc tỉnh ngộ ra thì đã bị mất tất cả tiền bạc. Khi chồng tôi biết việc tôi bị lừa, anh ấy đã bỏ đi suốt cả tháng nay không về vì áp lực nợ nần, chủ nợ tìm đến nhà đòi. Giờ tôi chưa biết làm cách nào để tháo gỡ, thật đau xót khi mất cả tài sản lẫn gia đình".
Thời gian qua, cơ quan chức năng liên tục đưa ra những cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo tinh vi trên các nền tảng mạng xã hội. Các đối tượng lừa đảo liên tục tung ra nhiều chiêu trò mới, khiến nhiều người bị sập bẫy lừa, cuộc sống của họ rơi vào cảnh cùng quẫn.
Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo trước những lời mời chào vào những công việc hợp tác kinh doanh theo kiểu "việc nhẹ lương cao" để giữ an toàn cho bản thân và gia đình mình.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn