"Khi Hội LHPN xã, Hội LHPN huyện có hoạt động, ví dụ như chương trình hướng dẫn phân loại rác thải, làm chế phẩm sinh học bảo vệ môi trường; hay các khóa tập huấn kỹ năng bán hàng…, chúng tôi sẽ ngay lập tức thông tin vào các nhóm trên mạng xã hội, fanpage của Hội để hội viên cùng biết và tham gia", chị Phạm Thị Kiều Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết.
Với những người cán bộ Hội như chị Kiều Loan, chiếc điện thoại thông minh đã thành "trợ thủ" đắc lực để kết nối hội viên của mình. Thay vì phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động, những nội dung phong trào, hoạt động Hội được chia sẻ trên mạng, nhanh chóng lan tỏa, đến gần hơn với chị em. Chị Kiều Loan cho biết, với những hội viên quan tâm đến phát triển kinh tế, Hội LHPN xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chị em kỹ năng bán hàng online, livestream bán hàng; lập các fanpage để chị em kết nối, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm do mình làm ra. Chị em được hỗ trợ thông tin tham gia các lớp tập huấn do Hội cấp trên tổ chức nhằm nâng cao kiến thức để phát triển kinh tế.
Để tuyên truyền về nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc, Hội LHPN xã Cao Đại đã thành lập các hội, nhóm trên mạng xã hội. Từ đó, chị em có cơ hội để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Nhiều gia đình có vợ, chồng đi làm ăn xa nhưng vẫn giữ kết nối, liên lạc với con cái ở nhà qua các ứng dụng cuộc gọi hình ảnh.
Để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội đối với phụ nữ và trẻ em, Hội LHPN xã Cao Đại đã sử dụng mạng xã hội để đăng tải, kêu gọi giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ, ủng hộ về vật chất cũng như tinh thần, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. "Nhờ những kết nối thường xuyên, phong phú như vậy, hoạt động Hội trên địa bàn xã được triển khai thuận lợi hơn. Chúng tôi đã thành lập các nhóm zalo, fanpage của Hội để kết nối với nhau. Cụ thể, Hội LHPN xã đã chỉ đạo 10/10 chi, tổ hội đều thành lập và duy trì hoạt động của các nhóm zalo. Thông qua các nhóm này, chúng tôi triển khai các nhiệm vụ công tác Hội, xây dựng bài viết để tuyên truyền hoạt động của Hội. Nhờ đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Hội được thực hiện kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho cán bộ, hội viên", chị Kiều Loan cho biết.
Theo chị Loan, lúc đầu, không phải cán bộ Hội nào cũng sẵn sàng và có trình độ, năng lực để ứng dụng công nghệ vào trong công việc cũng như đời sống. Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, cán bộ Hội cơ sở như chị phải tự tìm hiểu, học hỏi về công nghệ thông tin; nắm vững những thao tác, quy trình để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội cũng như hướng dẫn cho hội viên thực hiện.
"Chúng tôi luôn ý thức rằng, người cán bộ Hội phải có kỹ năng làm việc nhóm, quản lý thời gian, tư duy sáng tạo để chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Hội. Tuy nhiên, nếu không chủ động, sáng tạo, trách nhiệm thì người cán bộ Hội có thể sẽ bị phụ thuộc vào công nghệ. Vì vậy, căn cứ theo tình hình thực tế trong công việc mà cán bộ Hội có sự điều chỉnh linh hoạt. Chẳng hạn như việc thông báo mời dự sinh hoạt Hội, ngoài việc thông báo trên nhóm, cán bộ Hội cơ sở phải chủ động nắm bắt hội viên nào đã tiếp cận được thông báo, hội viên nào chưa để tìm cách liên hệ trực tiếp. Như vậy, thông tin mới đảm bảo đến được với hội viên, buổi sinh hoạt Hội mới hiệu quả", Chủ tịch Hội LHPN xã Cao Đại nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn