Nhiều phụ nữ ở xã Canh Vinh trước đây chỉ biết mưu sinh bằng công việc làm keo thuê. Đây là công việc vô cùng cực nhọc với chị em phụ nữ khi phải lên rừng thu hoạch cây keo. Nghề thu hoạch keo thuê đòi hỏi phải có sức khỏe, bởi vì họ phải dùng cưa xăng cắt hạ cây, vận chuyển, tập kết keo lên xe... rất vất vả. Công việc nặng nhọc, nhưng mỗi ngày họ chỉ kiếm được 170 nghìn đến 180 nghìn đồng và không phải ngày nào cũng có việc.
Những năm trước, kinh tế của gia đình chị Dung cũng chỉ từ nguồn thu nhập làm keo thuê. Nhưng với quyết tâm không thể để cuộc sống quanh năm thiếu thốn, vợ chồng chị Dung quyết định tận dụng số đất rừng khai hoang của hai vợ chồng để trồng rừng. Vợ chồng chị vay thêm vốn, cộng với số tiền tích góp để mua cây giống, mua thêm đất rừng. Được Hội LHPN xã quan tâm, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, năm 2019, gia đình chị vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vân Canh. Sau khi được định hướng, tư vấn và tập huấn kỹ thuật, vợ chồng chị trồng cây keo lai để phát triển kinh tế.
Sau nhiều năm vất vả cải tạo, gia đình chị đã có hơn 3 héc ta diện tích đất lâm nghiệp để trồng keo nguyên liệu tại Hồ Ông Lành. Hiện nay, đến kỳ thu hoạch, gia đình chị xuất bán và mang về nguồn thu nhập khá. Chị cho biết chi phí ban đầu như giống, phân bón, công trồng, chăm sóc... cho mỗi héc ta năm đầu và năm thứ 2 khoảng 10 triệu đồng. Từ năm thứ 3, không phải chăm sóc. Từ 5 năm trở lên là đến kỳ khai thác. "Trên đất đồi này thì chỉ trồng keo là phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao. Làm nông nghiệp chỉ vừa đủ gạo ăn, còn trồng keo thì 5 năm sẽ có khoản thu. Đó sẽ là khoản tiết kiệm để lo việc lớn trong gia đình", chị Dung chia sẻ.
Tích lũy dần dần, chị Dung mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng rừng. Sau 5 năm, gia đình chị Dung đã thu về trên 300 triệu đồng (mỗi héc-ta sau khi trừ chi phí chị thu về gần 70 triệu đồng). Chị trả nợ ngân hàng 60 triệu, số tiền còn lại chị tiếp tục mở rộng diện tích đất tiếp tục trồng keo lai. Thấy có hiệu quả, đến năm 2023, chị tiếp tục tham gia vay vốn Giải quyết việc làm với 100 triệu đồng để tiếp tục trồng keo.
Với sự chăm chỉ, chịu khó, không ngại gian khổ, chị Dung đã từng bước gây dựng được nền tảng kinh tế vững vàng cho gia đình. Gia đình chị xây được nhà cửa khang trang và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Không chỉ làm kinh tế giỏi, với tính cách năng nổ, nhiệt tình, chị Dung được tổ viên trong tổ tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn. Hiện, tổ chị dư nợ lên đến 4 tỷ 150 triệu đồng, với 55 tổ viên, không có nợ quá hạn và lãi tồn. Tất cả hộ vay đều có ý thức sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi, trả nợ gốc đầy đủ, đúng hạn cho Ngân hàng.
Với những nỗ lực của cá nhân, vừa làm giàu cho gia đình, chị còn hỗ trợ vốn, kinh nghiệm, giúp đỡ hội viên phụ nữ khó khăn ở địa phương, có thể nói chị Nguyễn Thị Kim Dung là một trong số những hội viên phụ nữ tiêu biểu của xã Canh Vinh nói riêng và huyện Vân Canh nói chung trong việc dám nghĩ, dám làm, không ngại khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn