Tận dụng ưu thế của người đi đầu, đưa hàng Việt Nam vươn ra thế giới

12:47 | 26/12/2022;
Hiệp định CPTPP là một trong số những hiệp định thương mại tự do đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây được xem là “xa lộ” để doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.

Sáng ngày 26/2/2022, tại Hà Nội đã diễn ra "Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề "Tận dụng ưu thế của người đi đầu" theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Hội nghị tập trung đánh giá, nhìn nhận thực tiễn thực thi Hiệp định CPTPP, đề xuất những giải pháp để tận dụng hiệu quả những lợi thế từ Hiệp định trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết: Hiệp định CPTPP là hiệp định duy nhất từ trước đến nay khi mà thông qua phải trình lên Ban chấp hành Trung ương Đảng và cũng là Hiệp định thương mại tự do đầu tiên được Quốc hội phê chuẩn. 

Tận dụng ưu thế của người đi đầu, đưa hàng Việt Nam vươn ra thế giới  - Ảnh 1.

Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP với chủ đề "Tận dụng ưu thế của người đi đầu"

Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp bao gồm: Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Hiệp định CPTPP; Tăng cường phổ biến, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; Tích cực trao đổi với các nước Thành viên CPTPP để kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và với các nước Thành viên trong trao đổi về việc mở rộng Hiệp định CPTPP khi thời gian gần đây, một số nền kinh tế đã chính thức nộp đơn xin gia nhập bao gồm: Vương quốc Anh, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ecuador, Costa Rica và Uruguay.

Trong những năm qua, các Bộ, ngành đã tập trung xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp tập trung vào các biện pháp như khuyến khích, định hướng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp nội địa để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng; xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến; tăng cường tổ chức rộng rãi các hoạt động hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam; đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn;…

Tạo đà giúp doanh nghiệp "Tăng tốc trên xa lộ"

"Mặc dù trước đó có nhiều ý kiến e ngại về Hiệp định này nhưng sau một quá trình thực thi, chúng ta cũng đã tự tin hơn để triển khai những cam kết quốc tế khác mạnh dạn hơn ở trong những diễn đàn khác" - ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Dù vậy, dư địa để khai thác CPTPP vẫn còn rất lớn, và quá trình thực thi Hiệp định vừa qua đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc nhất định còn tồn tại. Trong bối cảnh thương mại quốc tế nói chung có nhiều thay đổi, lợi thế người đi đầu của Việt Nam không còn kéo dài, cần có thêm nhiều giải pháp để doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội, tăng tốc trên xa lộ CPTPP ở chặng đường tiếp theo.

Tận dụng ưu thế của người đi đầu, đưa hàng Việt Nam vươn ra thế giới  - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm

Tại Hội nghị đã diễn ra 2 phiên Tọa đàm và đối thoại trực tiếp. Phiên thứ nhất có chủ đề "Tự tin chinh phục thị trường". Các diễn giả khách mời cùng nhìn lại những tác động tích cực của CPTPP đối với tăng trưởng kinh tế - thương mại Việt Nam trong 3 năm qua; những thuận lợi, khó khăn và giải pháp của Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định, đặc biệt là khai thác hiệu quả thị trường mới của khu vực châu Mỹ. Bên cạnh đó là những câu chuyện kinh nghiệm của doanh nghiệp trong tiếp cận thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường các nước trong CPTPP; sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, kết nối của cơ quan Thương vụ và vai trò chủ động của doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng.

Phiên thứ hai có chủ đề "Tăng tốc trên xa lộ", đại diện cơ quan quản lý nhà nước, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng cùng thảo luận, và trao đổi về những cơ hội, thách thức từ thị trường và những điểm mới cần lưu ý trong việc thực thi CPTPP thời gian tới; đề xuất về chính sách và khuyến nghị cho doanh nghiệp để khai thác tối đa các thị trường đối tác trong CPTPP cũng như các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP thời gian tới.

Tận dụng ưu thế của người đi đầu, đưa hàng Việt Nam vươn ra thế giới  - Ảnh 3.

Các đại biểu tham gia tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm

Những thông tin được chia sẻ tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP mang đến những thông tin, giải pháp hữu ích để doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tận dụng tối đa cơ hội, tăng tốc trên xa lộ này.

Theo thống kê, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước Thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước Thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6 % so với năm 2020. Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước Thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các nước Thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ các nước Thành viên CPTPP đạt khoảng 43 tỷ USD, tăng khoảng 16,26% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất nhập khẩu sang thị trường các nước đối tác mà Việt Nam chưa có FTA trước đó gồm Canada và Mexico đã có kim ngạch tăng trưởng ấn tượng.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn