Tận hưởng nồi canh rau tập tàng - món quà của đất

19:30 | 02/07/2018;
Chỉ mới vài tháng thôi chứ mấy! Kể từ ngày tôi bước chân vào giảng đường đại học... giờ mới có dịp về quê ở lâu một chút vào dịp nghỉ hè.
Qua thời gian ở trọ ăn uống thất thường, vừa về đến nhà tôi cùng nhỏ em - mới vào lớp 10 trường huyện - cắp rổ ra sau vườn hái rau. Những loại rau mọc tự nhiên cũng như những loại má trồng cho leo trên hàng rào như: Rau dền, rau sam, rau diệu, mồng tơi, bù ngót, lá lốp... Hàng chục loại rau mà người dân quê tôi gọi là món quà từ đất.
 
Còn má tôi thì gọi là rau dại. Nấu nồi canh với những loại rau này thì má đặt cho cái tên: Canh rau lộn xộn. Đây là món ăn thường xuyên của gia đình tôi. Nếu bữa nay ăn rau luộc với kho quẹt thì ngày mai canh rau với tép đồng vừa mới vớt dưới mương lên.
 
Thậm chí là canh chịu - canh không có thành phần chính thịt, cá.. - Chỉ cần vài cơn mưa lất phất là các loại rau này đâm chồi nảy tược. Ăn không hết, mẹ còn mang ra chợ bán. Đó là tiền học, tiền áo quần, tiền gạo cho chúng tôi: “Đói lòng nhờ bát canh rau/ Chén cơm hạt muối dạt dào yêu thương (Ca dao).
115.jpg
 
Cho đến sau ngày giải phóng vài năm, ba tôi rời quân ngũ về sum họp cùng gia đình, ba mới kể cho nghe tên gọi của loài rau này. Những lúc ở trong rừng, đây là món ăn cần thiết và dễ kiếm khi bộ đội ta thiếu lương thực. Mọi người thường gọi là rau tập tàng vì đó là tập hợp nhiều thứ vốn không có giá trị đáng kể. Có lẽ vì nó thân thiết và gần gũi đến vậy nên những người con xa quê thường nhớ món ăn dân dã này.
 
Ngày nay, cuộc sống người dân có phần khấm khá hơn, nhưng món rau này vẫn còn hiện diện trong mỗi gia đình. Thậm chí còn đường hoàng đi vào những quán ăn tầm cỡ, nhà hàng... Có lẽ do ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thịt cá, hải sản... con người trở nên chán ngấy rồi tìm về những món bình dân ngày nào. Mẹ tôi thường bảo: “Còn gì hơn giữa những ngày hè oi bức được ngồi ăn tô canh rau tập tàng. Để tận hưởng cho hết hương vị của món quà từ đất”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn