Cuối năm là thời gian nhiều người tất bật chuyện lo tiền bạc để tiêu Tết. Nhưng đâu đó, không khó để bắt gặp hình ảnh những con người thong thả đón Tết: Chẳng cần lo tiền bạc, chẳng vội vã hoàn thành mục tiêu gì, cũng chẳng cần chạy deadline,... chỉ cần thư giãn và đón chào những ngày Tết đoàn viên.
Chú Bùi Thắng (56 tuổi) có một tiệm bán cây cảnh nhỏ gần nhà tôi. Chú rất tự hào khi gọi cái tiệm nhỏ đó là "cơ ngơi" của riêng mình, là chiến tích mà chú đạt được sau mấy chục năm trời làm việc không ngừng nghỉ. Bản thân chú trước đây công tác trong lực lượng vũ trang ở TPHCM, còn vợ làm giáo viên của một trường cấp 2 trong thành phố. Nhưng sau khi nghỉ hưu thì 2 vợ chồng chú đều chuyển về quê để tận hưởng tuổi già. Đây cũng là cặp vợ chồng mẫu mực mà tôi hết sức trân quý khi được tiếp xúc và trò chuyện.
Những ngày gần Tết, được về quê sớm mấy hôm nên lúc nào tôi cũng ghé qua nhà cô chú để chọn mấy chậu hoa trang trí nhà cửa. Cuộc sống của chú khiến tôi mơ mộng về một tuổi già an nhiên như thế. Chẳng cần lo chuyện tiền nong, cũng chẳng vội vã để làm việc. Nhưng khi nghe được câu chuyện mà cô chú từng trải qua trong quá khứ, để có một cuộc sống như hiện tại, tôi đã phải thốt lên rằng: Quả thực là còn khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những người trẻ đầy cơ hội như chúng ta bây giờ!
Ấy vậy mà người khởi đầu với mức lương chưa tới 2 triệu hồi 20 tuổi, bây giờ lại có cuộc sống mà bao người trẻ mơ ước. Chú cũng đã kể lại câu chuyện của mình, hi vọng có thể tiếp thêm động lực cho những người trẻ đang vất vả làm việc ngoài kia.
"Đủ ăn thời đó là một việc hết sức xa xỉ. Cả 2 vợ chồng chú đều xuất thân từ gia cảnh bình thường, dùng sự nỗ lực của bản thân để thăng tiến từng bậc trong công tác. Tùy theo cấp bậc sẽ sở hữu một mức lương khác nhau." - chú Thắng chia sẻ.
Nhưng bây giờ, chú Thắng có lẽ sẽ khiến nhiều người mơ ước: 1 góc sân nhỏ yên bình ở quê, 1 cửa tiệm nho nhỏ bán cây cảnh đắt khách khi đến mùa, quanh năm được sống trong không gian xanh mát của cây cỏ, nhận lương hưu hàng tháng nhưng thậm chí chẳng cần dùng đến,... vì chú bảo: "Tiền lãi tiết kiệm ngân hàng cũng đủ để chú sống yên ổn qua ngày."
Chú lúc nào cũng dặn dò đám trẻ như chúng tôi sống phải biết tiết kiệm và nhìn xa. Đừng chỉ chăm chăm chạy theo đồng tiền rồi lại tiêu xài phung phí: "Thời của chú lương thấp nhưng vẫn có tiền tiết kiệm, là tại vì chẳng có thứ gì cần phải tiêu. Chính vì lúc nào cũng chăm chăm làm việc công, nên làm gì có thời gian nghĩ đến chuyện tiêu tiền. Lương được bao nhiêu cứ bỏ hết vào tiết kiệm."
Nhưng cũng chính vì môi trường không có nhiều thứ khiến người ta mưu cầu vật chất ấy, mà chú Thắng nhận rõ được bản thân mình cần nhất là gì: "Chú không tiêu tiền cho những vật ngoài thân, bởi chẳng ai mang được nó đi cùng mãi được cả. Cái chú luôn nghĩ đến, là làm sao sau này ra quân rồi, không cần làm việc nữa mà vẫn có tiền để sống. Không cần dựa vào con cái, cũng chẳng cần nhờ vả ai, tự mình lo cho mình và vợ. Phần con cái, chú cũng dạy tụi nó cách sống độc lập từ bé. Nên chú tập trung tiết kiệm trong vài năm đầu của tuổi trẻ."
Với mục tiêu rõ ràng về cuộc sống sau này, chú Thắng đặt mục tiêu 50 tuổi nghỉ hưu và bắt đầu tính toán từng bước, để đạt được ước mơ lớn nhất đời mình:
"Ai rồi cũng phải nghỉ hưu. Dù muốn cống hiến thêm, nhưng tuổi tác và sức khỏe cũng sẽ không cho phép mình làm cả đời. Dành cả tuổi trẻ sống trong nề nếp, chú cũng từng nghĩ về một ngày mình được thả lỏng”.
Chính vì thế, tài chính là thứ chú đầu tư từ rất sớm. Ý thức được tầm quan trọng của chuyện tiền bạc, khi mà không còn sức làm việc, chú có duy nhất 1 suy nghĩ: Phải để tiền đẻ ra tiền, chứ mình không thể chạy theo đồng tiền mãi được."
Và theo một kế hoạch đã được lên sẵn từ trước, chú Thắng cho biết mình bắt đầu từ việc đem tiền tiết kiệm đi mua đất: "Đó là thứ duy nhất sinh lời trong dài hạn mà có tiềm năng nhất, và nằm trong khả năng tài chính lúc đó của chú. Khoảng những năm 90, đất không có giá như bây giờ. Bỏ ra vài chục triệu cũng đã có được miếng đất chất lượng ở quê." Không dừng lại ở đó, chú Thắng cho biết mình đã trao tay rất nhiều mảnh đất, giá cứ tăng là chú sang tay và mua miếng mới.
Việc lựa chọn những mảnh đất có chất lượng và khả năng sinh lời tốt cũng cần tìm hiểu thông tin, và nhờ tư vấn từ vài người bạn. "Tiền không thể tự sinh ra, mà cần có sự đầu tư của con người. Đương nhiên là đầu tư khôn ngoan. Thời nào cũng sẽ có một cơ hội kiếm tiền rất tốt, cái chúng ta cần là học hỏi, nắm bắt cơ hội và biết nhìn xa trông rộng."
Cứ tích lũy dần như thế, có lúc thành công cũng có lúc thất bại, bị hao hụt một chút. Đến khi có được 1 số tiền khá ổn rồi, chú Thắng quyết định lui về đầu tư an toàn bằng vàng và gửi tiết kiệm ngân hàng, hưởng lãi suất hàng năm.
Cho đến hiện tại, cuộc sống mơ ước mà cô chú Thắng đang có, là sự đánh đổi của nhiều năm làm việc, tích lũy và đầu tư thông minh. Những ngày cận Tết thế này, cô chú cũng chỉ sắm sửa đơn giản, cây đào cây quất, vài cặp bánh chưng là xong: "Tết với cô chú, đặc biệt nhất là được đoàn viên cùng con cháu. Còn từ khi nghỉ hưu đến giờ, ngày nào với cô chú cũng là Tết, vì được sống thoải mái, tự do như những gì mình mong muốn!"
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn