Tan nát gia đình vì 'đứng núi này, trông núi nọ'

18:30 | 30/03/2019;
Hơn chục năm sau hôn nhân, với tài năng và sự năng động của mình, cuộc sống gia đình Nga khiến không ít người phải mơ ước. Vậy mà chỉ gần chục năm sau, Nga lại mất tất cả: Chồng, con, gia sản… chỉ vì cái tật: 'đứng núi này, trông núi nọ'

Tôi và Nga quen nhau khi cùng chung hoàn cảnh: Cùng rời thành phố đang làm ăn sinh sống lên thủ đô. Ngày đó, phong trào “di dân” lên thủ đô lập nghiệp diễn ra sôi động. Nhưng với tôi, sự dịch chuyển như một cái duyên và “định mệnh” sau một tai nạn hy hữu phải nằm viện và phải “bám trụ” với giường bệnh lâu dài, trong khi điều kiện chữa trị ở quê hương lúc đó khá hạn chế. Hơn nữa, cũng vì hoàn cảnh gia đình, một nách hai con nhỏ, hai bên nội ngoại đều ở xa, chồng tôi không thể cùng lúc vừa chăm tôi vừa lo cho các con ăn học. Tình thế bắt buộc, chồng tôi quyết định chuyển công tác, đưa các con lên sinh sống ở gần bệnh viện nơi tôi đang trị bệnh.

nhan-tinh-cua-me.jpg
Ảnh: Minh họa

Còn Nga, cuộc sống của gia đình cô đang rất đỗi bình yên. Không chỉ có “của ăn của để” mà hai vợ chồng còn “dính nhau như sam”, đi đâu cũng có nhau. Mới ngoài ba mươi, Nga dường như đã có tất cả: Một ngôi nhà 4 tầng khang trang ngay ở phố chợ trung tâm, một người chồng làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh và 2 con ngoan ngoãn, dễ thương.

Ngoài giờ làm công chức ở một sở của tỉnh, Nga còn mở thêm một cửa hàng thời trang, đặc biệt là thời trang công sở, ngay tại nhà. Ngày đó, những người làm “chân trong, chân ngoài” như Nga là “của hiếm”. Buôn bán thuận lợi nên Nga luôn được đồng nghiệp đem ra làm gương.

Cuộc sống đang thuận buồm xuôi gió, công việc của cả hai vợ chồng đều có bước tiến triển tốt. Nga được đề bạt lên chức trưởng phòng, chồng Nga trong nguồn quy hoạch phó khoa và được cử đi học chuyên khoa 1 tại Đại học Y Hà Nội. Chồng vừa đi học được một thời gian, Nga bèn rỉ tai chồng mở rộng các mối quan hệ để tìm cho Nga một công việc trên thủ đô. Rất may thời đó, ở thủ đô, phong trào bỏ việc công sở ra làm doanh nghiệp bên ngoài đang nở rộ bởi làm doanh nghiệp lương cao hơn, tiền thưởng cũng nhiều hơn. Vì thế, không quá khó khăn để Nga được nhận vào làm công chức ở một ban ngành TƯ.

Nga hãnh diện lắm và đi đâu cũng khoe mình làm ở cơ quan cấp bộ. Những tưởng, tiền lương và các khoản thu nhập ngoài lương phải tương đương với độ “oai” ở cơ quan TƯ nhưng làm một thời gian, Nga mới biết, ngoài bậc lương công chức thông thường, Nga chỉ có thêm một chút thu nhập từ tiền làm thêm, xăng xe, điện thoại… Tháng nào cũng đều chằn chặn một khoản, áp lực công việc lại gấp nhiều lần ở địa phương, Nga chẳng còn thời gian nào để làm “chân trong, chân ngoài” như trước.

Hơn nữa, trước khi chuyển công tác, Nga chưa kịp hỏi kỹ tình hình đã vội vàng bán nhà, sẵn tiền lên thủ đô thuê hẳn một ngôi nhà bằng với số lương của Nga bởi Nga từng tuyên bố với người thân, bạn bè: Không đi thì thôi, chứ đã đi là phải đàng hoàng, sung túc. Nga không ngờ, tiền sinh hoạt đắt đỏ cộng với tiền học của con ở thủ đô khiến Nga lâm vào tình trạng thường xuyên “viêm màng túi”, thâm hụt nghiêm trọng vào tiền bán nhà. Mặt khác, chồng của Nga đi học nên không hỗ trợ được gì thêm khiến gia đình trở nên căng thẳng, mâu thuẫn, tranh cãi triền miên.

Cố chịu đựng 2 năm, Nga lại tìm cách quay về. Với bản tính khéo léo, giỏi quan hệ, Nga đã trở lại vị trí trưởng phòng cũ- ở nơi mà trước đó cô từng làm việc. Chồng Nga sau khi học xong lại trở về bệnh viện tỉnh công tác. Ai cũng ngỡ rằng, sau cơn giông trời lại sáng, nhưng rồi, khi trở về mua đất làm nhà, vốn tính sĩ diện, Nga lại vay ngân hàng, mua một mảnh đất và xây ngôi nhà to gấp đôi nhà cũ.

Nga còn xui chồng vay tiếp ngân hàng mở phòng khám, đầu tư trang thiết bị đắt tiền, hơn hẳn các phòng khám xung quanh. Việc chẳng có gì đáng nói nếu việc mở phòng khám của chồng Nga thuận lợi nhưng vì chưa có kinh nghiệm quản lý, chuyên môn cũng không nổi bật nên không thu hút được bệnh nhân. Tiền vay ngân hàng, lãi mẹ đẻ lãi con, ngày càng thêm chồng chất. Mâu thuẫn cũng vì thế không ngừng tăng theo. Vợ chồng Nga từ nặng lời đến đổ lỗi, không tiếc lời xỉ vả, lăng mạ lẫn nhau.

Cuối cùng, chồng Nga đã đâm đơn ra tòa. Hai con của Nga cũng đã lớn, nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ xúc phạm bố đã oán giận, không đồng ý ở với Nga. Quá buồn chán, Nga lao vào công việc và được đề bạt lên chức Phó giám đốc một sở. Đường công danh rộng mở nhưng giờ ở một mình, Nga mới cảm thấy thật sự trống vắng, thấm thía những gì mình đã gây ra…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn