Tân Nhàn hát chèo, xẩm, chầu văn... với dàn nhạc giao hưởng

18:43 | 17/03/2019;
Tối 16/3, đêm nhạc ‘Trở về’ của ca sĩ Tân Nhàn đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Với liveshow đầu tiên trong sự nghiệp, Tân Nhàn mạo hiểm đưa ra những thử nghiệm táo bạo và mới mẻ.

Liveshow Trở về của Tân Nhàn được chia thành 3 phần rõ nét. Mở đầu với chủ đề Quê mẹ, Tân Nhàn gửi tới khán giả những ca khúc Trở về, Tình đất, Quê mẹ, Hai quê, Gặp nhau giữa rừng mơ…, là những ca khúc đã gắn với tên tuổi Tân Nhàn mà khán giả yêu mến đã quá quen thuộc.

4.jpg
 

Phần 2 liveshow Tân Nhàn có chủ đề “Trăng khuyết” là những bài hát đã gắn bó với tên tuổi của cô kể từ Sao Mai 2005 – cuộc thi Tân Nhàn đã đăng quang giải Nhất dòng nhạc dân gian. Ở đó, Tân Nhàn gửi tặng khán giả những ca khúc được nhiều người yêu mến như: Xa khơi, Người con gái sông La, Trăng khuyết, Đào…

Điều bất ngờ nhất của liveshow, đồng thời cũng là phần mà Tân Nhàn dồn rất nhiều tâm sức, sự nỗ lực và trăn trở chính là phần 3 Trở về với mảng âm nhạc truyền thống. Những bài ca cổ của âm nhạc truyền thống Việt Nam qua giọng hát Tân Nhàn cùng dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc điện tử và dân tộc đã khiến nhiều người ngạc nhiên, thích thú và không ngừng tán thưởng. Những tràng vỗ tay không ngừng của khán giả hoá ra lại dành nhiều nhất chính cho những tiết mục của phần biểu diễn này. Ở phần này, Tân Nhàn đã không ngừng “biến hóa” kỳ diệu, khi thì cô hát làn điệu chèo cổ Duyên phận phải chiều hay Đào liễu, khi lại thể hiện ngọt ngào, xốn xang bài dân ca quan họ Tương phùng tương ngộ.

1.jpg
 

Đặc biệt Tân Nhàn đã làm khán phòng bùng nổ cùng âm nhạc và những tinh hoa truyền thống khi cô hát Cô Đôi thượng ngàn. Phần âm nhạc được cho là “kỳ lạ” của màn trình diễn này kết hợp cùng cách dàn dựng lộng lẫy như tái hiện hình ảnh Cô Đôi trong huyền thoại đạo Mẫu của người Việt trên sân khấu đã làm khán giả vô cùng phấn khích, hò reo.

Sự biến hóa của Tân Nhàn trong liveshow không chỉ ở các sắc màu âm nhạc mà cô mang đến từ những ca khúc mang âm hưởng dân gian đến các thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam, mà đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ khi Tân Nhàn táo bạo kết hợp cùng dàn nhạc giao hưởng, đã nâng các tác phẩm âm nhạc lên một tầm cao mới, mang đến những cách thưởng thức mới. Các bản phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng trẻ tài ba, người sống trong gia đình gắn với nhạc cụ truyền thống từ nhỏ và được đào tạo nhiều năm về âm nhạc đỉnh cao ở nước ngoài, đã bao phủ lên toàn bộ khán phòng một không gian âm nhạc hoành tráng choáng ngợp người xem. Ở đó, vừa là sự tươi mới của những dàn nhạc rất khác biệt khi hoà quyện vào nhau, điều này vừa mang lại sự tươi mới lại tôn vinh giá trị âm nhạc thực sự mà không phải nghệ sĩ nào cũng dám “liều”.

3.jpg
 

Đặc biệt là với phần âm nhạc truyền thống Việt Nam. Khán giả thấy những bài chèo, xẩm, quan họ, chầu văn vẫn giữ nguyên giá trị, vẫn nguyên tinh thần truyền thống nhưng lại rất lạ, rất hiện đại, mới mẻ đem họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Khán giả không khỏi ngỡ ngàng với một bài văn Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (thơ Nguyễn Duy) đã rất quen thuộc nhưng được hòa thêm âm hưởng của dàn dây, âm nhạc mở ra một không gian mênh mang hơn. Hay khi thể hiện bài xẩm Mục hạ vô nhân, Cô Đôi thượng ngàn, âm nhạc với sự pha trộn những nhịp điệu và màu sắc âm nhạc phương Tây với Việt Nam đã thực sự cuốn hút người xem trôi theo từng nhịp điệu, từng lời ca.

Với liveshow đầu tiên trong sự nghiệp, Tân Nhàn mạo hiểm đưa ra những thử nghiệm táo bạo và mới mẻ và điều đáng mừng, khán giả đã bị Tân Nhàn lôi cuốn, đã bị đắm say với âm nhạc, giọng hát của cô. Sự mạo hiểm đầy tâm huyết của Tân Nhàn đã thành công, đem lại cho khán giả nhiều cảm xúc, hân hoan. Khán giả như phát hiện thêm một Tân Nhàn mới, Tân Nhàn của âm nhạc truyền thống với chèo – xẩm – hát văn – quan họ.

Xúc động trước show diễn, nhà báo Tạ Bích Loan đã chúc mừng Tân Nhàn, chị nói: “Tôi rất thích show diễn bởi vừa đủ hiện đại, lại mang những giá trị âm nhạc tuyệt vời đầy tinh thần cống hiến với âm nhạc dân tộc. Tân Nhàn đã làm được những điều quá tuyệt vời cho âm nhạc dân tộc, những gì Tân Nhàn đang làm rất gần với cách làm của âm nhạc thế giới. Tôi rất bất ngờ về Tân Nhàn…”.

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Tân Nhàn đang làm theo hướng đi của âm nhạc thế giới hiện nay qua liveshow của mình. Mọi người chưa tiếp cận với âm nhạc truyền thống thì nghĩ nó xa xôi, nhưng nếu nghe trong show của Tân Nhàn sẽ thấy rất gần với âm nhạc phương tây, trữ tình thì có “ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa”, “duyên phận phải chiều”, cũng đồng thời có những bài khiến khán giả phải nhảy, cứ nhộn cả lên như đi xem một đêm nhạc Rock hay disco nào đó, bởi trong âm nhạc truyền thống của chúng ta có những giai điệu đó, nhưng chúng ta không gọi như vậy thôi mà gọi là hát văn chẳng hạn như trong bài Cô Đôi thượng ngàn. Tân Nhàn chính là người kết nối những khán giả không phải là khán giả của âm nhạc truyền thống mà là khán giả của Tân Nhàn, để mọi người thấy rằng hóa ra âm nhạc truyền thống của chúng ta rất dễ nghe và từ đó thấy yêu nghệ thuật truyền thống.

Nhưng, tư duy âm nhạc của liveshow mới là điều đáng nói. Tổng hòa của chương trình chính là một liveshow âm nhạc đương đại, đương đại ở đây là ở khía cạnh thuật ngữ của một dòng nhạc, bao hàm đầy đủ các yếu tố giá trị nghệ thuật, sự kết hợp đông tây một cách nhuần nhuyễn đúng theo xu hướng phát triển âm nhạc của thế giới hiện nay. Và, những gì khán giả thấy trong liveshow Trở về của Tân Nhàn chính là những giá trị, những tài năng của âm nhạc Việt Nam mà chúng ta tự hào rằng không thua kém với những chương trình đương đại của thế giới”.

2.jpg
 

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Quang Long cũng bình luận thêm rằng, Tân Nhàn cũng là trường hợp hiếm nghệ sĩ hát được rất nhiều các thể loại âm nhạc truyền thống của dân tộc, anh thừa nhận: “Bao nhiêu năm đi khắp đất nước tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, tôi biết dù chỉ học một thể loại đã khó thế nào rồi, chứ chưa nói thể hiện nhiều thể loại như thế này. Với tư cách một người có tìm hiểu về âm nhạc cổ truyền, tôi thấy, Tân Nhàn đã thể hiện được ra tinh thần của mỗi bài bản, mỗi thể loại. Hát được nhiều thể loại đúng tinh thần như Tân Nhàn là hiếm thấy”.

Nhạc sĩ Giáng Sol chia sẻ: “Tân Nhàn giọng đang vào độ chín nên hát ngọt ngào nồng thắm, các kỹ thuật đã trở thành chuyện nhỏ, chỉ phục vụ cho cảm xúc của bài hát. Các bản phối tinh tế lãng mạn, kết hợp với âm nhạc dân tộc nhuần nhuyễn, mang hơi thở hiện đại. Những thể nghiệm của Tân Nhàn và ê kíp rất đáng trân trọng và cần phát huy hơn nữa”.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn