Quê mẹ là một bài hát có ý nghĩa rất lớn đối với Tân Nhàn. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã viết để dành tặng riêng cho cô. Chất liệu văn học chính là tuổi thơ của Tân Nhàn. Âm nhạc trong bài hát cũng sử dụng chất liệu dân gian quê hương Hà Nam của Tân Nhàn, nơi mà nghệ thuật chèo, hát xẩm rất phát triển.
Ca khúc Quê mẹ rất hay, nhưng cũng rất khó hát bởi giai điệu được viết trên những quãng rất cao, tiết tấu đảo phách nhiều, gần với một tác phẩm khí nhạc hơn là một ca khúc và chỉ những giọng ca được đào tạo tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp mới đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của bài hát. Ca khúc mang âm hưởng dân gian, có sử dụng tiết tấu của chèo nhưng lại có tính học thuật – đó chính “gu” âm nhạc từ trước đến nay của Tân Nhàn.
Trong giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Tân Nhàn cũng đã định hướng cho các học sinh của mình như vậy. Tân Nhàn rất vui vì các học sinh của mình đều rất đam mê dòng nhạc mang âm hưởng dân gian và hào hứng khi được cô giáo đưa ra đề nghị tham gia vào MV Quê mẹ. Hát cùng cô giáo nhưng các bạn cũng rất chững chạc, hát đúng kĩ thuật, diễn xuất tự tin.
MV Quê mẹ là câu chuyện của một cô giáo dạy thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã dạy cho sinh viên bài hát về chính quê hương và cuộc đời cô. Cô đã đưa các bạn trở về quê, gặp mẹ của mình để các bạn hiểu hơn về mảnh đất và con người nơi đây, nhờ thế mà đã thể hiện thành công bài hát. Và chính sự tương tác giữa thầy và trò đó đã tạo nên một kết quả học tập tốt và một MV đẹp.
MV “Quê mẹ”:
Trong MV Ký ức dòng Lam (Nhạc: Tuấn Phương, lời thơ Thái Duy Long), Tân Nhàn cũng thể hiện cùng với 2 học sinh còn rất ít tuổi, mới học Tân Nhàn được 3 năm tại Học viện Âm nhạc Quốc gia nhưng có tố chất giọng mang âm hưởng dân gian rõ nét là Thanh Quý và Anh Thơ. Tân Nhàn rất yêu mến 2 giọng hát này và đặt nhiều niềm tin vào sự thành công của các em trong tương lai.
Ký ức dòng Lam là một bài hát trong trẻo, dịu dàng về quê hương Hà Tĩnh, cũng chính là quê hương của hai cô học trò Thanh Quý - Anh Thơ. Trong ca khúc này, Tân Nhàn chỉ thể hiện rất ít bởi cô muốn nâng đỡ cho hai giọng hát đáng yêu được thỏa sức vùng vẫy trong sáng tác đậm chất dân gian này. Cả 2 MV quay đều đẹp, sắc nét.
MV “Ký ức dòng Lam”:
Mục đích của việc cho ra mắt 2 MV vào đúng ngày 20/11 năm nay của Tân Nhàn chỉ đơn giản là để lưu lại kỷ niệm của tình thầy trò, đồng thời Tân Nhàn muốn giới thiệu giọng hát của học trò mình tới khán giả. Bên cạnh đó, cô muốn quảng bá dòng nhạc mang âm hưởng dân gian tới đông đảo công chúng bằng một cách tiếp cận mới, đặc biệt là sự hòa giọng giữa hai thế hệ thầy và trò trong cùng một tác phẩm âm nhạc “khó” của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng.
Tân Nhàn hy vọng với cách làm này sẽ là sự cổ vũ cho nhiều bạn sinh viên do Tân Nhàn đào tạo có thêm động lực để học tập, nỗ lực phấn đấu, kiên trì theo đuổi dòng nhạc chính thống nói chung và phong cách âm nhạc dân gian nói riêng.
Cô sẽ cùng với các đồng nghiệp nỗ lực đào tạo các thế hệ ca sĩ tài năng để tiếp tục phát triển dòng nhạc chính thống nói chung và phong cách âm nhạc dân gian nói riêng, hoà vào dòng chảy của âm nhạc đương đại.
Tân Nhàn giành giải Nhất Sao Mai dòng Dân gian năm 2005. Cô nhận quyết định đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam từ ngày 28/7/2017. Trong năm 2018, cô sẽ bảo vệ luận án Tiến sĩ.
Trong quá trình giảng dạy, Tân Nhàn đã đào tạo nhiều giọng ca tài năng, trong đó có 3 học sinh đạt giải cao tại giải Sao Mai đó là: Sông Thao (giải 3 dòng nhạc Dân gian Sao Mai 2015); Lại Thị Hương Ly (giải 3 dòng nhạc Thính phòng Sao Mai 2017, Cúp Vàng Festival âm nhạc khu vực Châu Á Thái Bình Dương), Nguyễn Thanh Quý (HCB Tài năng trẻ nghệ thuật toàn quốc 2016).