Chắc hẳn ai trong chúng ta hồi nhỏ cũng có mong muốn mau chóng lớn lên, được đi học xa, được tự lập vì ở nhà bố mẹ quản quá chặt, cái này không được làm, cái kia cũng không được làm. Thế nhưng đến lúc trở thành tân sinh viên, phải đi học xa nhà, xa gia đình mới thấy lời bố mẹ thật thấm thía biết mấy. Khi ấy chúng ta mới hiểu, cuộc sống người lớn thì ra chẳng dễ dàng như tưởng tượng.
Nhận điểm thi đại học rồi lại nhận tin bản thân đỗ trường đại học ao ước, được lên thành phố lớn ở một mình, được khám phá mọi thứ, những niềm vui ấy không ai hiểu hơn các bạn sinh viên năm nhất. Ở thời điểm bắt đầu, đặt chân xuống thành phố lòng ai hẳn cũng vui như nở hoa. Tâm trạng hầu hết đều thấy háo hức vì từ nay được bắt đầu cuộc sống tự lập, không có người thân, được làm mọi điều mình thích.
Nhưng đời không như mơ...
Chỉ 1 tuần sau khi tự xoay sở với cuộc sống ở trọ, nhiều bạn trẻ đã bị... shock nhẹ. Không có gia đình ở bên, bao nhiêu vấn đề cứ thi nhau nảy sinh, nào là bếp nấu ăn ở phòng trọ bị hỏng, quần áo sáng sớm đi học tìm chẳng thấy đâu, ra đường thì lạc hết nửa buổi. Những việc mà trước đây ở nhà thấy nó đơn giản bao nhiêu thì giờ thấy rắc rối bấy nhiêu.
“Nhớ ngày đầu đi học xe mình bị chết máy giữa đường, sợ mới buổi học đầu tiên đã đi muộn, mình khóc òa lên rồi luống cuống gọi điện cho bố hỏi xem phải làm thế nào. Lúc đấy bản thân mình mới thấm thía câu ‘rời xa gia đình là bão tố’, hóa ra không phải những việc trước đây ở nhà đơn giản mà vì ở nhà mình có bố mẹ giúp giải quyết nên thấy vậy, giờ ra ở một mình thì lúng túng chẳng biết phải làm sao” - Kim Anh, sinh viên năm nhất đại học Thương mại kể.
Đi học xa nhà, việc ăn việc uống cũng bỗng chốc thành vấn đề lớn. Tự nấu ăn thì vừa mệt, vừa lỉnh kỉnh, ra hàng ăn lại tốn kém. Có những bữa đi học về ghé quán ăn mua ít cơm, vừa ăn cơm mà vừa rưng rưng vì thèm cơm nhà, nhớ những món ăn nóng hổi mẹ nấu.
Khi đêm đến, ai có bạn ở trọ cùng còn đỡ, chứ ở trọ một mình thì sự lo lắng, nỗi tủi thân còn tăng lên gấp đôi. Muốn gọi về cho bố mẹ để hỏi thăm, tâm sự mà sợ bố mẹ lo nên chẳng dám gọi về. Thậm chí, có những bạn sinh viên mới lên, vì nhớ nhà mà cứ mỗi cuối tuần lại bắt xe về quê ở nhà vài hôm rồi lại đi, bất chấp quãng đường đi lại và chi phí đi đi về về đắt đỏ.
Học xa nhà tự nhiên có thêm nhiều thói quen mới. Đơn cử mỗi bắt chuyện bạn mới, câu đầu tiên hỏi đều là “Quê mày ở đâu thế?”. Phát hiện có đứa nhà gần ngay trường, có đứa cũng phải đi học xa như mình, nhưng vui nhất khi gặp được đứa bạn cùng quê.
“Lần đầu tiên trong đời đi học, mình gặp một bạn ở cùng quê mà thấy mừng như gặp người thân vậy. Mà thực ra có khi nhà hai đứa ở quê cũng cách nhau cả chục cây ấy chứ, vậy mà vẫn thấy gần gũi, ngộ ghê luôn!” .
“Hồi mới vào Sài Gòn mình bị lạ vì các bạn ở đây năng nổ quá trời, việc gì các bạn cũng làm được, chẳng ngại gì. Đôi khi mình thấy hơi tự ti về bản thân… Vì hồi ở quê ngoài học với ôn thi ra mình ít tham gia hoạt động lắm. May mà hiện tại nhờ các bạn giúp đỡ mình dần thích nghi hơn” - Đức Thắng sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm TP HCM chia sẻ.
Chuyển đến thành phố mới, vùng đất mới, dẫu biết vẫn cùng đất nước thôi nhưng lạ cách sống, lạ văn hoá và thi thoảng cả chút lạc lõng là điều không tránh khỏi với những đứa trẻ xa nhà. Nhiều khi cứ theo cơ chế phản xạ của bản thân, lần đầu gặp ai cũng có cảm giác nghi ngờ. Không phải vì tính đa nghi mà vì sợ lần đầu đi xa sẽ gặp chuyện gì mà bản thân cũng không biết. Trở ngại trong sinh hoạt, thay đổi môi trường xung quanh không ít lần khiến tân sinh viên thấy mệt mỏi, áp lực.
“Lần đầu tự đi học bằng xe bus bị lạc tuyến, ngồi trên xe mà mình lo lắm luôn, cảm giác sợ vì lạ nước lạ cái, lạ cả người, rồi tự dưng mình khóc òa trên xe bus. Mình vẫn nhớ lần đó mấy bác trên xe với anh phụ xe thấy mình khóc vậy cũng qua hỏi thăm, nghe mình nói chuyện thì mọi người ai cũng an ủi rồi còn chỉ mình đường về nữa.
Vậy là giữa chốn lạ mình lại có được cảm giác ấm lòng như ở nhà. Nghĩ lại thấy may ghê, lúc đó mà không có các bác với anh phụ xe giúp mình tìm đường thì chắc giờ mình lạc ở tận phương nào mất” - Quỳnh Anh, tân sinh viên Học viện Tài chính tâm sự.
“Thật sự hồi mới đi học mình áp lực lắm, vì mình có tính hay ngại. Nhưng mà ở lâu dần thì mọi thứ lại đâu có đó, trên lớp mình có bạn giúp rồi về nhà trọ lại có các cô chú hàng xóm giúp đỡ. Cứ như thế đến hết kỳ I năm nhất là mình hòa nhập được với cuộc sống ở thành phố” - Ngọc Linh sinh viên năm hai Đại học Kinh tế Quốc dân hồi tưởng.
Có thể nói, mọi chặng đường khi mới bắt đầu đều sẽ có những khó khăn, nhưng dần qua thời gian điều đó lại trở thành động lực, thành cơ hội cho mỗi con người thúc đẩy bản thân phải chăm chỉ hơn, cố gắng hơn để hòa nhập. Thêm bạn mới, thêm cơ hội và cánh cửa phía trước lại mở rộng hơn với sinh viên đại học, vậy nên tân sinh viên cứ thoải mái mà khám phá đi nhé!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn