Tăng cân sau phẫu thuật tuyến giáp - kiểm soát thế nào?

10:07 | 13/07/2023;
Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp, đặc biệt là cắt tuyến giáp toàn bộ, ngoài vấn đề liên quan tới thẩm mỹ vết sẹo thì tăng cân cũng là một chuyện khiến nhiều người lo lắng.

Vừa trải qua những ngày lo lắng vì chồng bị ung thư phải phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nên sau khi chồng được ra viện, chị Lê Thị Hằng ở Thanh Hóa đã cố gắng chăm sóc, tẩm bổ cho chồng lại sức. 5 ngày trở lại đây, anh Vương - chồng chị đã có cảm giác ăn ngon miệng hơn. Thế nhưng trong lòng chị Hằng lại xuất hiện một nỗi lo khác, đó là không biết vì lý do gì mà cân nặng của chồng mình lại tăng quá nhanh. Chị Hằng lo lắng cho biết: "Sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp thì chồng tôi trở về nhà cũng ăn uống bình thường. Chỉ trong vòng 15 ngày, chồng tôi đã tăng 5kg. Tôi không hiểu vì lý do gì hay là vì do cắt tuyến giáp mà chồng tôi tăng cân nhanh như vậy."

Trường hợp của anh Vương chồng chị Hằng không phải là hy hữu. Có thời gian dài làm công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chị  Lê Thị Hoa Bắc, Ban Truyền thông, Trung ương Hội Giáo Dục Chăm Sóc Sức Khỏe Cộng Đồng Việt Nam đã từng gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp bị tăng cân mất kiểm soát, thậm chí có người đã rơi vào tình trạng béo phì. "Hầu như các bệnh nhân không biết sau phẫu thuật họ sẽ bị như vậy và còn có người họ không quan tâm. Thực sự rất lo lắng nếu tình trạng như vậy xảy ra, bởi vì nếu không kiểm soát được cân nặng sẽ dẫn đến rất nhiều hệ luỵ đáng lo ngại." - Chị Bắc cho biết. 

Tuyến giáp là cơ quan sản xuất ra các hormone trong cơ thể giúp cân bằng hoạt động của cơ thể bạn. Theo nghiên cứu thì tuyến giáp góp 60% vào quá trình trao đổi chất của cơ thể. Phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp là chỉ định thường được sử dụng để điều trị các rối loạn tuyến giáp như ung thư tuyến giáp, cường giáp, phì đại tuyến giáp. So với những người cắt bỏ hoàn toàn tuyến giáp thì sự tăng cân ở những người cắt bỏ một phần tuyến giáp xảy ra ít hơn.

Trong khi đó, tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, ảnh hưởng đến hoạt động sống của cơ thể. Các chuyên gia cho biết, nếu như tuyến giáp bị cắt bỏ thì quá trình trao đổi chất sẽ bị gián đoạn, cơ thể không sản xuất ra hormone tuyến giáp được nữa. Hệ quả là người bệnh sẽ bị tăng cân sau phẫu thuật cắt tuyến giáp. Việc tăng cân sau phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp xảy ra nhiều trong vòng 2 năm sau phẫu thuật.

Nhiều chuyên gia đưa ra nhận định rằng sự tăng cân không chủ ý này có liên quan đến hormon tuyến giáp. Vì hormon tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong cân bằng trao đổi chất của cơ thể. 

Theo Bác sĩ Lê Bạch Mai, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nguyên tắc giảm cân sau phẫu thuật cắt tuyến giáp là dựa vào các điều trị y tế, đặc biệt là dựa vào việc tự kiểm soát bản thân trong chế độ ăn uống. 

Bác sĩ Lê Bạch Mai lưu ý: "Sau khi bị ung thư tuyến giáp mà đã điều trị thì trong bữa ăn nên thêm các loại hạt, trừ hạt đậu nành. Bởi vì trong đậu nành có gluten khá là nhiều, không tốt cho việc sản xuất hormone tuyến giáp, không nên ăn đồ quá ngọt, vì nhiều đường cũng không tốt với bệnh nhân tuyến giáp. Trong các loại rau dùng thì chú ý bớt đi các loại rau cải, vì các loại rau cải sẽ ức chế việc tiết hormone của tuyến giáp, nếu muốn ăn thì hãy luộc, hoặc trần rồi ăn, bỏ nước đi."

Tăng cân sau phẫu thuật tuyến giáp - kiểm soát thế nào? - Ảnh 1.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật cắt tuyến giáp nên bổ sung các loại hạt vào chế độ ăn hàng ngày.

Sự khác biệt về liều lượng, chẳng hạn như không nhận đủ hormone, có thể tạo ra sự khác biệt trong cách thức hoạt động trao đổi chất của của cơ thể, dẫn đến sự thay đổi không kiểm soát được của cân nặng. Vì thế, theo các chuyên gia, bên cạnh thực hiện chế độ ăn uống và luyện tập thì mỗi người bệnh đã phẫu thuật cắt tuyến giáp cần thực hiện các xét nghiệm máu thường xuyên để xác định xem có đang dùng đủ liều thay thế hormone hay không để có thể điều chỉnh kịp thời. Có như vậy chúng ta mới không gặp phải những rắc rối về cân nặng và đảm bảo được sức khỏe của mình.

Cùng với đó, bệnh nhân cũng cần có thời gian để cơ thể của bạn thích nghi với việc thiếu đi một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Bạn có thể đối mặt với vấn đề tăng cân sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Vì vậy, cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và cân bằng chế độ dinh dưỡng để luôn duy trì được cân nặng hợp lý.

Một số mẹo giảm cân an toàn được khoa học chứng minh sau phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp sau:

- Dùng hormone tuyến giáp thường xuyên.

- Không lạm dụng sử dụng quá liều hormon tuyến giáp để giảm cân nhanh chóng vì có thể dẫn đến nhiều tác dụng không mong muốn. 

- Theo dõi lượng calo hàng ngày. Cố gắng loại bỏ khỏi thực đơn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hay bất cứ thứ gì nhiều calo mà hàm lượng dinh dưỡng thấp.

- Tập thể dục thường xuyên, đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hay tập thể dục tại nhà giúp bạn tiến gần hơn với việc duy trì cân nặng hợp lý. 

- Bổ sung đủ chất đạm, thực phẩm khuyên dùng đó là ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng, thịt gà, đậu phụ, cá, trứng,... 

Tăng cân sau phẫu thuật tuyến giáp - kiểm soát thế nào? - Ảnh 2.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn