Trước khi trở thành ĐBQH chuyên trách của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa từng có 12 năm công tác tại Hội LHPN Việt Nam. Với bà, 5 năm làm ĐBQH chuyên trách đã tạo cơ hội để bà trực tiếp tham gia hoàn thiện hệ thống luật pháp và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục, về trẻ em, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới trong xây dựng luật pháp.
Kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm ĐBQH chuyên trách của bà Mai Hoa là khi tham gia Luật Thể dục thể thao sửa đổi năm 2018. Khi ấy, bà đã cố gắng vận động chính sách đặc thù cho vận động viên nữ và huấn luyện viên nữ - vấn đề mà bà luôn trăn trở khi còn là cán bộ Hội LHPNVN có dịp đi thăm, tặng quà cho các đội bóng nữ đạt thành tích cao.
Nữ đại biểu này phải bắt đầu từ việc phản biện khi Báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới của cơ quan soạn thảo không đề cập tới chính sách đặc thù cho 2 nhóm đối tượng nêu trên. Sau đó, bà phải liên tục đề xuất, tranh luận, thuyết phục ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra cụ thể hóa vấn đề lồng ghép giới vào luật, thậm chí phải thiết kế điều khoản. "Kết quả là trong luật được sửa đổi, tại Điều 31 đã quy định "có chính sách đặc thù cho vận động viên nữ, huấn luyện viên nữ trong quá trình tập luyện, thi đấu", bà Mai Hoa xúc động chia sẻ.
Từ thực tế công tác, bà Mai Hoa khẳng định, ĐBQH chuyên trách có sự khác biệt rõ nét so với ĐBQH kiêm nhiệm. "Rõ nhất chính là ĐBQH chuyên trách được dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ đại biểu. Nhờ đó có thể nghiên cứu tài liệu nhiều hơn, sâu hơn, có nhiều cơ hội, nhiều diễn đàn để tham gia hoàn thiện luật pháp, chính sách. Đặc biệt là được toàn tâm toàn ý tập trung cho những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, qua đó đóng góp và cống hiến nhiều hơn cho hoạt động lập pháp", bà Mai Hoa nhấn mạnh. Quốc hội khóa XIV, theo ĐB Mai Hoa đã có một nhiệm kỳ thành công. Thành công chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và địa phương. Lực lượng chính tham gia các đoàn giám sát và đăng đàn ở nghị trường là các đại biểu chuyên trách. Đặc biệt, nhiều chị em là đại biểu chuyên trách đã có tiếng nói mạnh mẽ, sâu sắc, để lại nhiều ấn tượng trong nghị trường và trên các diễn đàn truyền thông, góp phần đạt nhiều kết quả trong thực hiện mục tiêu Bình đẳng giới của Quốc hội khóa XIV.
Với vai trò quan trọng của ĐBQH chuyên trách, mục tiêu tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách Quốc hội khóa XV được ĐB Mai Hoa ủng hộ. Song song với mục tiêu tăng tỷ lệ chính là yêu cầu nâng cao chất lượng ĐBQH chuyên trách, bao gồm cả năng lực, sự tâm huyết, trách nhiệm, bản lĩnh nghị trường. Hiện nay, công tác chuẩn bị nhân sự ứng cử viên ĐBQH khoá XV đang đi theo hướng này.
"Tôi tin rằng, nếu số ĐBQH chuyên trách khoá XV đạt tỷ lệ 40% theo luật định, cùng với việc nâng cao chất lượng, hoạt động Quốc hội chắc chắn chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn và vị thể ngày càng cao hơn", bà Mai Hoa cho biết.
Theo ĐB Mai Hoa, để tăng tỷ lệ và năng chất lượng ĐBQH chuyên trách, cần tạo nguồn tốt, phát hiện, lựa chọn, đưa vào quy hoạch những người có trình độ lập pháp, kinh nghiệm thực tiễn, giàu bản lĩnh. Ngoài những tiêu chuẩn chung của ĐBQH theo luật định, có lẽ cần lượng hóa được những tiêu chí cần và đủ cho ĐBQH chuyên trách. Thứ 3 là giải pháp về chính sách, có cơ chế đãi ngộ và môi trường làm việc hấp dẫn để thu hút người giỏi vào làm ĐBQH chuyên trách.
Đặc biệt, để tăng cường mục tiêu bình đẳng giới thông qua hoạt động của Quốc hội, theo bà Mai Hoa, cần chú trọng cả 2 khâu: Tăng tỷ lệ ĐBQH nữ và bảo đảm lồng ghép giới thực chất trong xây dựng luật pháp, chính sách. Cả 2 khâu này cần có sự tham gia tích cực, chủ động của TƯ Hội LHPN Việt Nam . Đó là chủ động phát hiện, giới thiệu nguồn cán bộ Hội và cán bộ các Bộ, ngành đủ tiêu chuẩn để các cơ quan của Quốc hội sớm đưa vào quy hoạch. Trên thực tế, nhiều người trực tiếp soạn thảo và thẩm tra luật chưa chú trọng lắm tới lồng ghép giới, báo cáo đánh giá tác động giới hầu như đang rất hạn chế, mang tính hình thức. Do vậy, việc nâng cao kiến thức giới và kỹ năng lồng ghép giới là rất cần thiết.
"Tôi nghĩ, mục tiêu Bình đẳng giới chỉ có thể đạt được một cách thực chất khi có đủ hành lang pháp lý, hệ thống chính sách và sự ủng hộ, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Diễn đàn Quốc hội chính là nơi có thể tạo được sự cộng hưởng mạnh nhất, sự lan tỏa nhanh nhất và hiệu ứng tích cực nhất để đạt được mục tiêu đó", ĐB Mai Hoa nhìn nhận.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn