Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số giữ gìn và phát duy giá trị văn hóa truyền thống

21:54 | 09/05/2023;
Đối với đồng bào dân tộc Nùng, duy trì và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống qua những làn điệu cổ truyền cần có những cách làm mới, sáng tạo.

Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán đặc trưng, điều này thể hiện rõ trong không gian sống, lao động và tập quán tín ngưỡng của họ. Hát Soong hao là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian, là trí tuệ tâm hồn của dân tộc Nùng. 

Soong hao là hình thức hát giao duyên đối đáp, kể chuyện giao lưu, chúc tụng, đậm chất trữ tình, giàu lòng nhân ái. Hát Soong hao gồm nhiều loại, hát giao duyên ở các phiên chợ, ngày hội, hát trong nhà và hát khi có đám cưới...

Bà Lăng Thị Kỷ - nghệ nhân của CLB hát Soong xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang - chia sẻ: "Hồi chưa lấy chồng, tôi đi hát đối nhiều hơn, khi đó có nhiều lễ hội để tham gia. Sau khi lấy chồng rồi thì hai vợ chồng cùng đi, mỗi lần đi đều mặc quần áo đẹp, trang điểm, vấn tóc. Tôi chỉ mong có nơi để hát, để giao lưu với mọi người".

Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hóa - Ảnh 3.

Bà Lăng Thị Kỷ (thứ 2 từ trái sang) và CLB Hát Soong hao xã Đại Sơn

Theo chị Hoàng Thị Thơ, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Sơn, với mong muốn để tục hát Soong hao của người Nùng không bị mai một, những năm qua, huyện Sơn Động đã khôi phục nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của điệu hát này. CLB hát Soong hao của xã Đại Sơn được thành lập năm 2001. 

Hàng năm, huyện đều tổ chức "Ngày hội các dân tộc vùng cao" để đồng bào 12 xã vùng cao tụ hội về hát Soong hao, nhằm khôi phục lại làn điệu dân ca các dân tộc. Lời ca không có sẵn mà hoàn toàn tự biên, tự diễn theo ngẫu hứng của người hát khiến giai điệu Soong hao ngày càng được yêu thích bởi sự tự do mà vẫn đậm đà nét xưa.

Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hóa - Ảnh 4.

Chị Hoàng Thị Thơ - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đại Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang

"Các chị em trong Hội LHPN xã Đại Sơn mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc và chúng tôi đã mạnh dạn thành lập CLB. CLB cũng lập nhóm zalo mời các thôn trong xã, huyện và địa phương khác tham gia hát đối", chị Thơ cho biết.

Hiện nay, CLB hát Soong hao xã Đại Sơn gồm những nghệ nhân người dân tộc Nùng, người nhiều tuổi nhất đã ngoài 70, người trẻ nhất cũng gần 50 tuổi. Nhưng ai ai cũng rất nhiệt huyết với việc bảo tồn và phát triển làn điệu Soong hao của vùng đất Sơn Động, mặc dù còn nhiều khó khăn.

CLB hát Soong hao xã Đại Sơn ra đời không chỉ đưa phong trào văn hóa, văn nghệ của các địa phương phát triển mà còn góp phần bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Vì vậy, các nghệ nhân hát Soong hao và người dân mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm, tạo thêm điều kiện để các CLB có nơi sinh hoạt thường xuyên, có kinh phí để duy trì hoạt động nhằm bảo tồn và giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống này. 

"Việc duy trì và phát triển làn điệu của dân tộc không chỉ là cơ hội để các nghệ nhân tụ họp, giao lưu và truyền lại cho thế hệ trẻ mà còn giúp phát triển du lịch sinh thái địa phương", chị Thơ nhấn mạnh.

Còn đối với người dân tộc Tày ở xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, làn điệu Then đã trở thành một bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời và đặc sắc. Chị Lê Thị Thủy, Chủ nhiệm CLB Hát Then - đàn Tính xã Thần Sa, cho biết, trải qua 12 năm duy trì và phát triển, đến nay CLB có 20 hội viên thường xuyên hoạt động, duy trì sinh hoạt định kỳ và luyện tập. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tham gia nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương cũng như huyện, tỉnh nhà tổ chức.

Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hóa - Ảnh 5.

Một buổi tập của CLB Hát Then - đàn Tính xã Thần Sa, Thái Nguyên

"CLB hoạt động nhằm phát triển khả năng và nâng cao trình độ về nghệ thuật hát Then - đàn Tính cho các hạt nhân văn nghệ trên địa bàn xã. Đồng thời phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu về môn nghệ thuật này, góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc", chị Thủy cho biết.

Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hóa - Ảnh 6.

Chị Trần Thị Sen - Chủ tịch Hội LHPN xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm CLB hát Then - đàn Tính xã Thần Sa

Có thể nói, việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Tày cũng như các dân tộc thiểu số khác ở huyện Võ Nhai nói chung và xã Thần Sa nói riêng là rất cần thiết.

Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hóa - Ảnh 7.

CLB biểu diễn tại Khu di tích khảo cổ học Thần Sa, Thái Nguyên

"Tôi mong muốn các cấp chính quyền địa phương, ngành văn hóa tiếp tục có sự hỗ trợ dụng cụ, trang phục biểu diễn, quan tâm và mời các nghệ nhân đến truyền dạy một số làn điệu Then cổ để hát Then - đàn Tính không bị mai một. Không chỉ người Tày, Nùng, Thái mà hát Then còn được cả các dân tộc khác yêu thích, coi đây là món ăn tinh thần trong đời sống của họ", chị Trần Thị Sen - Chủ tịch Hội LHPN xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đồng thời là Phó Chủ nhiệm CLB - chia sẻ.

Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy di sản hát Soong hao hay hát Then - đàn Tính của người dân tộc Nùng, dân tộc Tày là việc làm hết sức cần thiết đang được các cấp ngành đặc biệt quan tâm. Bởi các làn điệu này góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch tại địa phương. 

Tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động văn hóa - Ảnh 9.

Mang âm nhạc vào phát triển du lịch đã được nhiều địa phương áp dụng hiệu quả

Qua đó tăng cơ hội để phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia các hoạt động văn hóa, kinh tế, xã hội, thực hiện bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, nâng cao vai trò phụ nữ dân tộc thiểu số trong thời kỳ hội nhập.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn