Ngày 8/12, Viện Phát triển Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) cùng tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực giới (GBV.net) tổ chức Hội thảo "Dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng: Chính sách, thực tiễn và giải pháp". Hoạt động này được thực hiện trong khuôn khổ dự án SUSO do Liên minh châu Âu tài trợ.
Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là những người đang trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới tại cộng đồng được chia sẻ về thực trạng cung cấp những dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới. Các đại biểu thảo luận về những rào cản trong tiếp cận dịch vụ của người bị bạo lực và những giải pháp để cải thiện chất lượng dịch vụ.
"Cần thúc đẩy các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ người bị bạo lực. Bên cạnh đó, cần phải thể chế hóa và nâng cao chất lượng các các dịch vụ tại cộng đồng bao gồm nơi tạm lánh an toàn, đường dây nóng từ công an hỗ trợ kịp thời, cơ sở y tế áp dụng đúng hướng dẫn sàng lọc người bị bạo lực. Quan trọng hơn cả là cần có một cơ chế phối hợp rõ ràng giữa các dịch vụ khác nhau ở cùng một cấp và giữa các cấp khác nhau", bà Lê Thị Hồng Giang - Cố vấn về Giới của CARE International tại Việt Nam cho biết.
Còn theo TS. Khuất Thu Hồng - Trưởng mạng lưới GBV.net, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), dẫu dịch vụ trợ giúp pháp lý hiện diện xuyên suốt từ trung ương tới địa phương nhưng nhà tạm lánh và dịch vụ tư vấn thì mới chỉ có ở trung ương và một số tỉnh. Mặt khác, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đối với nạn nhân cũng còn nhiều hạn chế. Nhiều trường hợp người bị bạo lực giới không có khả năng tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, đặc biệt là người bị bạo lực tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ người bị bạo lực tìm kiếm các biện pháp bảo vệ chính thức còn thấp, đặc biệt là nạn nhân bị quấy rối tình dục, bạo lực tình dục do tâm lý e ngại, xấu hổ. Chỉ 35,5% phụ nữ dân tộc thiểu số đã từng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới so với 66,7% phụ nữ Kinh.
"Trong quá trình hình thành và phát triển các dịch vụ hỗ trợ người bị bạo lực giới, sự tham gia tích cực và chủ động của các ban ngành liên quan cùng cộng đồng tại địa phương là vô cùng quan trọng để đảm bảo các dịch vụ được thân thiện, có chất lượng, được kết nối đồng bộ và bản thân người bị bạo lực cũng được trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực để có thể chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết", bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện LIGHT, một đối tác triển khai dự án SUSO cho biết.
Dự án SUSO (Nâng cao nhận thức và tiếng nói của cộng đồng dân tộc miền núi phía Bắc trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới) được triển khai từ năm 2018 đến năm 2021 tại 4 xã (Thanh Nưa, Hua Thanh, Mường Phăng và Pá Khoang với 24 thôn bản thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trong vòng 2 năm triển khai, dự án đã thực hiện nhiều hoạt động và thu hút được một số kết quả quan trọng. 92% phụ nữ và 85% nam giới người dân tộc thiểu số tại các địa bàn dự án đã nhận diện được 4 hình thức bạo lực (bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế) và phản đối mọi hình thức bạo lực.
Mục tiêu của dự án là phá vỡ im lặng xung quanh bạo lực giới trong cộng đồng dân tộc thiểu số nơi đây và từ đó góp phần thúc đẩy bình đẳng giới nói chung. Theo chia sẻ của chị Vì Thị Phong ở bản Mến (xã Thanh Nưa), dự án hỗ trợ "các hạt nhân thay đổi" tổ chức các sự kiện cộng đồng để nâng cao hiểu biết của người dân về các hình thức bạo lực, nguyên nhân của bạo lực và các kênh hỗ trợ người bị bạo lực. Thông qua đó, dự án hướng tới phát huy năng lực của "hạt nhân thay đổi" để tự tin truyền cảm hứng cho cộng đồng lên tiếng thảo luận về bạo lực và sử dụng những kỹ năng hỗ trợ người bị bạo lực chia sẻ về vấn đề của họ.
Theo kết quả Điều tra Quốc gia về bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam 2019:
*Tỷ lệ bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục cao nhất ở nhóm phụ nữ dân tộc Nùng: trong đời là 42,8% và trong 12 tháng qua là 25,8%. Gần một phần tư (24,1%) phụ nữ dân tộc Nùng cho biết từng bị bạo lực thể xác và một phần tư số khác (23,8%) cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục trong đời.
*Tỷ lệ bạo lực tình dục cao nhất ở nhóm phụ nữ dân tộc Nùng (23,8% trong đời và 17,3% trong 12 tháng qua) và dân tộc Dao (15,8% trong đời và 12,0% trong 12 tháng qua).
*Phụ nữ H'Mông có tỷ lệ bị bạo lực tinh thần thấp nhất, trong đời là 21,9% và trong 12 tháng qua là 5,8%.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn