Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu
11:40 | 20/01/2018;
Đây là một trong những vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo trong phiên họp toàn thể về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày 20/1 trong khuôn khổ APPF-26.
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26, Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26), ngày 20/1, các phiên họp về vấn đề hợp tác phát triển trong khu vực tiếp tục diễn ra với sự tham gia của các nghị viện thành viên. Tất cả các đại biểu đều cho rằng biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thách thức kinh tế, xã hội, môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương vì đây là khu vực dễ bị tổn thương nhất do ảnh hưởng của BĐKH. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về những vấn đề này trong hoạt động lập pháp và hoạch định chính sách.
Nghị viện phải tạo thuận lợi cho quy trình hoạch định, thực hiện và đánh giá mức đóng góp tài chính của mỗi quốc gia nhằm thúc đẩy những bước tiến trong mức độ đóng góp tài chính quốc tế hiện nay đối với mục tiêu ứng phó toàn cầu đối với BĐKH trong bối cảnh phát triển bền vững.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, BĐKH, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017 nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sản xuất 12 triệu tấn gạo/năm (xuất khẩu 6 triệu tấn), khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP. Nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường về thời tiết, thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực châu Á-Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0,5-2 độ C.
Để nỗ lực hạn chế và khắc phục hậu quả, phòng ngừa các tác nhân có hại do BĐKH, mỗi quốc gia cần tạo dựng hành lang pháp lý, các thiết chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực để ứng phó với BĐKH phù hợp với các Điều ước quốc tế, Công ước, Nghị định thư và Thỏa thuận về BĐKH. Các quốc gia thành viên cần phải làm cho toàn xã hội và từng người dân đều hiểu và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn, cần có các giải pháp huy động nguồn tài chính, tăng cường đối tác công tư và rất cần vai trò của các chế định tài chính quốc tế.
Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, hài hòa với thiên nhiên. Mọi người dân đều tham gia và được thụ hưởng thành quả của phát triển… Mỗi người dân đều có cuộc sống ấm no hạnh phúc, được phát triển, phát huy giá trị của mình vì một hành tinh mãi màu xanh.