Dự án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hoà nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ" do KOICA tài trợ thông qua hỗ trợ kỹ thuật của IOM được triển khai thực hiện từ năm 2020 đến nay. Dự án được thưc hiện với mục tiêu: Hỗ trợ phụ nữ Việt Nam di cư trở về và thành viên gia đình họ được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ để tái hòa nhập bền vững.
Sau những nỗ lực của các bên, TƯ Hội LHPN Việt Nam và KOICA tổ chức ký kết Biên bản thảo luận về các hoạt động hỗ trợ tiếp theo của Dự án "Tăng cường năng lực cho các cơ quan Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hoà nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ".
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương khẳng định: "Đây là hoạt động hỗ trợ có ý nghĩa trong bối cảnh gia tăng người di cư trong nước và quốc tế sau việc dỡ bỏ các hạn chế xã hội và mở lại biên giới quốc tế vào tháng 3/2022.
Số lượng lao động di cư ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn đã đạt mức trước đại dịch là khoảng 150.000 người. Một số lượng đáng kể phụ nữ di cư trở về từ các quốc gia khác với nhiều thách thức hơn do tác động đa dạng của Covid-19.
Theo báo cáo, năm 2022 có hơn 30.000 người di cư đã hồi hương về Việt Nam. Việc tự hồi hương tăng nhanh kể từ khi mở cửa lại biên giới dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến người lao động di cư trở về nói chung và phụ nữ nói riêng nảy sinh sau đại dịch Covid-19, trong đó có các vấn đề về đảm bảo an sinh xã hội, nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới (bị mua bán, dụ dỗ, lừa gạt).
Những biến động của tình hình di cư hiện nay đặt ra nhiều thách thức mới, làm sao để bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, tối đa hóa những mặt tích cực mà di cư đem lại cho phụ nữ di cư cũng như hạn chế các tác động bất lợi xảy ra đối với phụ nữ và gia đình trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài".
Đảm bảo không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển
Thời gian qua, Việt Nam có nhiều cam kết trong thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc thông qua các chương trình, kế hoạch. Trong đó, Hội LHPN Việt Nam được phân công chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về di cư hợp pháp, an toàn và nghiên cứu các giải pháp giảm tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ trong quá trình di cư. Văn phòng OSSO là một trong những mô hình nhằm hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, góp phần đảm bảo di cư an toàn của phụ nữ.
Hội LHPN Việt Nam thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ, xác định nhiều nội dung hoạt động quan tâm liên quan đến tính dễ bị tổn thương của phụ nữ di cư và trẻ em trong những gia đình này.
Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 xác định nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, tập trung giải quyết các vấn đề thiết thân của một số nhóm phụ nữ, đảm bảo không có phụ nữ nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Đồng hành cùng Hội LHPN trong hành trình chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ di cư là sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Trong đó, Văn phòng OSSO đã được một số tỉnh thuộc địa bàn dự án đánh giá là mô hình thành công hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và đã được các bộ, ngành, tổ chức quốc tế thăm quan, học tập, chia sẻ; Văn phòng OSSO cũng được giới thiệu tại mạng lưới di cư của Liên hiệp quốc (Migration Network Hub).
Trong nỗ lực mở rộng can thiệp dành cho phụ nữ di cư, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 cũng như đảm bảo di cư an toàn, việc KOICA tiếp tục hỗ trợ cho Hội LHPN Việt Nam thực hiện các hoạt động duy trì vận hành Văn phòng OSSO giai đoạn 2023 - 2024 là quan trọng và có ý nghĩa, đảm bảo tính bền vững của mô hình. Đồng thời, vận hành hiệu quả mô hình góp phần cụ thể hóa cam kết của Chính phủ Việt Nam và trách nhiệm của Hội trong giảm tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ trong quá trình di cư.
Trong giai đoạn tiếp theo của Dự án, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục thảo luận, phối hợp với IOM xây dựng chi tiết kế hoạch triển khai các hoạt động, đảm bảo mục tiêu của Biên bản Thảo luận.
Ông Cho Han Deog, Giám đốc quốc gia văn phòng KOICA tại Việt Nam cho biết: "Chúng ta đã cùng nhau bắt đầu một hành trình thay đổi, tạo ra một môi trường hỗ trợ để đảm bảo hạnh phúc và trao quyền cho phụ nữ di cư hồi hương. Trước nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ hỗ trợ dành cho phụ nữ di cư hồi hương trong bối cảnh hậu đại dịch, KOICA đã đưa ra quyết định tiếp tục hỗ trợ tài chính để duy trì các văn phòng OSSO trong giai đoạn 2023-2024. Khoản hỗ trợ này, lên tới 200.000 USD, bao gồm một khoản đóng góp dành cho IOM vì sự hỗ trợ kỹ thuật quý báu của họ.
Mục đích chính của khoản hỗ trợ cho các hoạt động tiếp theo này của chúng tôi là để đảm bảo hoạt động bền vững của các văn phòng OSSO được thành lập trong giai đoạn đầu tiên của dự án".
Ông Nguyễn Quốc Nam, Trưởng Bộ phận Quan hệ Đối tác và Thực hiện Dự án, Tổ chức Di cư quốc tế IOM, nhấn mạnh: "Lễ ký kết Biên bản thảo luận đánh dấu sự tiếp nối thành tựu của Dự án đã đạt được trong thời gian qua trong việc hỗ trợ người di cư có hoàn cảnh dễ bị tổn thương, xây dựng lại cuộc sống và cải thiện phúc lợi xã hội, kinh tế và tâm lý cho cá nhân và gia đình họ.
Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tin rằng những nỗ lực chung của chúng ta sẽ đem lại hỗ trợ thiết thực nhất cho cộng đồng, cũng như góp phần vào nỗ lực quốc gia đặc biệt là của Hội LHPN cho quá trình vận động xây dựng và đề xuất chính sách cho nhóm phụ nữ trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương nói riêng và nhóm phụ nữ di cư nói chung.
Từ những nỗ lực xây dựng và duy trì hoạt động văn phòng OSSO trong thời gian qua, IOM Việt Nam hy vọng rằng thời gian tới sẽ có thêm các hoạt động can thiệp nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình và lan rộng tới nhiều nhóm phụ nữ di cư trên khắp Việt Nam".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn