Tăng giá điện, hàng hóa rục rịch tăng theo

14:07 | 28/03/2019;
Sau quyết định điều chỉnh giá điện bình quân của Bộ Công thương tăng 8,36%, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, nhiều hàng hóa, dịch vụ đã bắt đầu rục rịch tăng theo.
Với mức tăng giá bán điện bình quân lên tăng thêm 8,36% cụ thể, tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) do Bộ Công thương ban hành, có hiệu lực và áp dụng từ ngày 20/3/2019, theo tính toán của Cục Điều tiết điện lực các hộ gia đình sử dụng điện sinh hoạt sẽ chịu mức tăng giá từ 7.000 đồng đến hơn 77.000 đồng/tháng; hộ kinh doanh sẽ phải trả thêm bình quân 500.000 đồng/tháng; hộ sản xuất cũng sẽ phải trả tăng thêm gần 870.000 đồng/tháng.
 
gia-dien-tang-1.jpg
Giá điện bình quân tăng 8,36%, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019 - Ảnh minh họa

 

“Nếu chỉ nhìn vào con số tính toán, có thể thấy mức tăng giá điện không quá cao, nhưng đây là mức giá bình quân. Thực tế, giá điện còn tính theo các khung giờ khác nhau, dù hộ sinh hoạt hay sản xuất kinh doanh, lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm rất lớn, khoản tiền thực trả có thể sẽ tăng hơn nhiều lần. Bên cạnh đó, xăng dầu cũng vừa qua kì điều chỉnh giá bán, kéo theo giá hàng hóa tiêu dùng đều đang tăng lên, thì người tiêu dùng, đặc biệt là các hộ kinh doanh sẽ phải đội thêm rất nhiều chi phí”, anh Mạnh Quân, chủ một cơ sở kinh doanh đồ gỗ cho biết.
 
Muôn cách điều chỉnh giá
 
Là khách ruột của một quán bún gà tại khu vực Liễu Giai - Đào Tấn (Hà Nội), chị Anh Thư thuộc lòng bảng giá bán của quán. Hơn một năm nay, mức giá chung vẫn là 30.000 - 35.000 đồng/bát bún. Nhưng từ 25/3, tất cả các món bún tại đây đều tăng giá thêm 5.000 đồng/bát. Khi khách hàng thắc mắc, chủ quán chỉ cười nhẹ: "Giá điện tăng mà bác, chúng em cũng phải tăng để khỏi lỗ chứ!".
 
Không chọn cách tăng ngay vào giá bán, nhiều chủ quán đã có nhiều chiêu điều chỉnh làm sao để có chi phí bù vào phần tiền điện tăng lên, mà vẫn không mất khách.
 
Anh Trung, chủ một quán lẩu nướng tại Q. Long Biên chia sẻ: Do đặc thù của quán, bếp nướng, nồi lẩu hơi đều bằng sử dụng điện, thời gian phục vụ khách hàng đều nằm trong khung giờ điện tính giá cao điểm, nên với mức giá mới này, chi phí phát sinh của nhà hàng tăng lên một khoản không nhỏ. Quán mới mở ở khu vực xa trung tâm, nên mức giá đưa ra cũng không thể đắt, để thu hút khách hàng. Không muốn tăng giá đồ ăn, anh Trung chỉ còn cách cắt giảm hoặc thay thế một số món trong thực đơn buffet sang loại thực phẩm có chi phí phù hợp hơn, để đảm bảo doanh thu.
 
gia-dien-tang-2.jpg
Biểu đồ lộ trình tăng giá điện qua các năm

 

Tương tự như vậy, chị Thu Hương, chủ một bếp bánh online cũng chia sẻ dự định sẽ thay thế một số nguyên liệu làm bánh đang dùng như bột mì, kem whipping hay phô mai sang loại khác, có giá rẻ hơn một chút, để bù vào chi phí. Chị Hương cho biết: Với hai chiếc lò nướng công nghiệp, cộng với tủ mát, máy trộn bột…, dù tiết kiệm hết mức thì mức chi phí trả cho tiền điện sẽ tăng khoảng 20%. Không muốn thay thế nguyên liệu, nhưng thời điểm hiện tại, các tiệm bánh cạnh tranh nhau rất khốc liệt về giá bán, mình phải giữ giá ổn định để không bị mất khách.  
 
gia-dien.jpg
Người tiêu dùng lo lắng giá cả hàng hóa sẽ bước vào một kì điều chỉnh giá mới

 

Từ tháng 4/2019, giá điện sẽ hoàn toàn tính theo mức giá mới của Bộ Công thương, cũng là thời điểm bắt đầu vào hè, lượng điện tiêu thụ tăng mạnh, ngoài nỗi lo tăng tiền điện sử dụng trong gia đình, nhiều người nội trợ còn lo lắng giá của các loại hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm… sẽ bước vào một kì điều chỉnh giá mới.
 
Cách tính giá tiền điện trong tháng 3
 
Giá điện bình quân tăng 8,36%, có hiệu lực từ ngày 20/3/2019, như vậy, trong tháng 3/2019, sẽ áp dụng hai cách tính tiền theo mức giá cũ và mức giá mới.
 
Giá điện cũ được tính từ ngày ghi điện trong tháng 2 đến ngày 20-3-2019; giá điện mới được tính từ thời điểm chốt chỉ số trở đi.
 
Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam hướng dẫn công thức tính tiền điện trong tháng 3/2019 như sau:  

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn