Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá điện tăng từ mức 1.920,4 đồng lên mức giá mới là 2.006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT) từ ngày 9/11/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Việc tăng giá điện lần thứ 2 trong năm 2023 khiến nhiều hộ dân sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ lo lắng. Bởi lẽ, trong hoàn cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc liên tục tăng giá điện sẽ khiến việc sản xuất kinh doanh phát sinh thêm chi phí, trong khi đó, họ lại chưa thể tăng giá dịch vụ với khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thủy, làm dịch vụ giặt là ở Hưng Yên, chia sẻ: “Tăng giá điện như thế này khiến hoạt động dịch vụ giặt là của tôi lại phải chịu thêm chi phí hàng tháng, trong khi tôi không thể tăng giá dịch vụ với khách hàng. Trong cảnh làm ăn rất khó khăn, mình mà tăng giá là mất khách ngay. Việc tăng giá điện đến 2 lần trong năm là một khó khăn rất lớn đối với chúng tôi”.
Chị Hoàng Kim Oanh, chủ cửa hàng đồ uống ở huyện Đông Anh, Hà Nội, cho biết: “Giá điện tăng lên nhưng mình kinh doanh lại không tăng giá được, tăng thì lại đắt hơn cửa hàng khác, lại mất khách. Chúng tôi cũng không thể cắt giảm việc sử dụng điện được. Bình thường mỗi tháng cửa hàng nhà tôi hết hơn 8 triệu tiền điện, giờ tăng thêm 4,5% không phải là con số nhỏ. Với tình hình kinh doanh ảm đạm như hiện nay, việc tăng giá điện là một áp lực đè nặng thêm cho những người kinh doanh như chúng tôi”.
Trong năm 2023, giá điện đã tăng 2 lần; lần 1 vào tháng 5/2023, tăng thêm 3%, và lần 2 này là 4,5%. Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, giá điện đã tăng lên 7,5%. Đối với những hộ dân làm kinh doanh dịch vụ, quả thực đây là một nguồn chi phí phát sinh đáng kể.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ cơ sở sản xuất cửa nhôm kính, chia sẻ: “Mỗi thứ tăng một ít nhưng giá điện thì lại tăng nhanh, tăng nhiều hơn cả. Trong vòng mấy tháng mà tăng lên 2 lần thì những người phải sử dụng nhiều điện trong sản xuất như chúng tôi phải chịu áp lực rất lớn. Bây giờ làm cái gì cũng liên quan đến điện, muốn tiết kiệm cũng không tiết kiệm được".
Bà Nguyễn Phương Huyền, làm nghề kế toán ở Hà Nội, nhận xét: “Việc tăng giá điện liên tục không chỉ khiến người kinh doanh mà chính người tiêu dùng cũng lo lắng. Bởi ngoài việc phát sinh thêm một khoản chi phí sinh hoạt trong gia đình thì rất có thể sắp tới hàng loạt các mặt hàng khác cũng sẽ tăng và thiết lập mặt bằng giá mới. Mà khi đã có mặt bằng giá mới, rất khó có thể trở lại mặt bằng giá cũ trước đó. Cuối cùng, cả người kinh doanh và người dân đều phải hứng chịu hệ lụy từ việc tăng giá điện".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn