Doanh nghiệp nhà nước trong 2 vai diễn
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn cầu nên chỉ đạo của Thủ tướng nhằm đảm bảo an ninh lương thực là hoàn toàn đúng đắn. Việt Nam đang thu hoạch lúa kể cả miền Trung và miền Tây nên lương thực dồi dào, người nông dân được mùa. Trong thời điểm này, xuất khẩu lúa gạo là hoàn toàn đúng nhưng thu nhập từ cây lúa của người nông dân vẫn còn bấp bênh.
Trong đại dịch, nếu bán gạo ở thời điểm này thì giá cả có thể rẻ hơn so với thời điểm vài tháng tới. Một vụ lúa mất từ 4 đến 5 tháng mới có thể thu hoạch, có nghĩa phải đến tháng 10, người nông dân mới có thể thu hoạch cho vụ tới. Đây là quãng thời gian khá xa.
Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân đặt vấn đề, trong vòng 5 tháng tới, lượng lúa gạo trong Tổng cục Dự trữ lương thực có đủ để bù đắp cho người dân sử dụng trong nước hay không?
Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long bị xâm hại mặn, miền Trung bị khô hạn thì người dân không thể trồng và xạ lúa. Chắc chắn, tháng 9 và 10 tới, lượng lương thực thu hoạch có thể bị gián đoạn nên cần phải trích từ nguồn dự trữ ở Tổng kho Dự trữ lương thực là điều hoàn toàn có thể. Do đó, ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu về lương thực trong nước là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân phân tích, một số doanh nghiệp nhà nước đã trúng thầu cấp lúa gạo trong Tổng cục Dự trữ lương thực Quốc gia nhưng bỏ thầu để đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo nhằm thu lại lợi nhuận lớn hơn. Về tính chất pháp lý, doanh nghiệp phá vỡ hợp đồng với Tổng cục Dự trữ thì bị phạt như thế nào, phạt bao nhiêu % trên giá trị dự thầu.
Dễ vướng hành vi gây thất thoát tài sản nhà nước
Trong trường hợp, nếu đây là hợp đồng thương mại thì doanh nghiệp chỉ bị phạt 8% và xuất khẩu vẫn lãi hơn so với thực hiện việc hợp đồng dự trữ lúa gạo. Cần phải có quy chế khắt khe hơn, có thể là 30% - 40% hoặc cao hơn nữa. Rõ ràng, số tiền các doanh nghiệp đóng phạt cao sẽ khiến cho các doanh nghiệp không dám vi phạm.
Kế đến, có 2 vấn đề cần phải tách biệt. Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4 thì các hợp đồng doanh nghiệp đã ký kết trước đó đang ở cảng thì phải ưu tiên xuất khẩu trước. Nếu dừng hợp đồng của các doanh nghiệp này sẽ bị đổ vỡ. Người nông dân ít nhiều sẽ bị tác động.
Tiến sĩ Nhân nhấn mạnh tính chất pháp lý đối với các doanh nghiệp trúng thầu cung ứng vào Tổng cục Dự trữ Quốc gia nhưng bỏ thầu. Giữa doanh nghiệp với Tổng cục có các hợp đồng ràng buộc không chặt chẽ dễ gây "lũng đoạn" thị trường lúa gạo đối với việc cung cấp nguồn lương thực.
Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân lưu ý với những doanh nghiệp nhà nước trúng thầu cung ứng dự trữ lúa gạo mà bỏ thầu có thể sẽ gây thất thoát tài sản của nhà nước. Nguồn vốn của các doanh nghiệp này từ ngân sách, GDP, từ tiền thuế của nhân dân…
Ngày 20/4, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua, có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chính thức ký công văn gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị chỉ đạo các các cơ quan chức năng xem xét điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn