Tăng mức tiền BHYT gấp 7 lần ảnh hưởng thế nào với người Việt tại Hàn Quốc?

10:43 | 14/05/2019;
Theo quy định mới của Hàn Quốc, từ 16/7/2019, tất cả người nước ngoài, bao gồm cả lao động, du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ phải chuyển gói BHYT tư nhân sang BHYT quốc gia với mức đóng chênh gấp 7 lần. Điều này được cho là sẽ gây thêm áp lực với hàng chục ngàn người lao động cũng như du học sinh đang sinh sống và học tập ở đây.

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, Chính phủ Hàn Quốc sửa đổi luật bảo hiểm để thắt chặt quản lý đối với lĩnh vực này. Theo đó, từ tháng 7/2019, du học sinh tại Hàn Quốc phải trả tiền BHYT gấp 7 lần so với hiện tại.

Hiện nay, đa số các sinh viên nước ngoài tại Hàn Quốc đều sử dụng các gói BHYT tư nhân có giá khoảng 2 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, theo Đạo luật BHYT Quốc gia sửa đổi có hiệu lực từ ngày 16/7 tới, tất cả người nước ngoài, bao gồm cả sinh viên, phải tham gia hệ thống bảo hiểm nhà nước nếu họ ở lại Hàn Quốc trong 6 tháng hoặc lâu hơn. Khoản phí BHYT nhà nước tại Hàn Quốc hiện vào khoảng 13,5 triệu đồng/năm.

 

Ảnh minh họa

 

Đạo luật này nhằm ngăn chặn trường hợp người nước ngoài lợi dụng hệ thống bảo hiểm nhà nước của Hàn Quốc. Trước đó có nhiều trường hợp người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc và được hưởng hệ thống y tế đắt đỏ dù chỉ phải trả khoản phí nhỏ.

Trả lời qua facebook, em Trịnh Ngọc Hân, du học sinh tại Đại học Seoul Hàn Quốc, cho biết đã sang Hàn Quốc học tập từ tháng 8/2018 và chắc chắn thuộc đối tượng ảnh hưởng từ quy định mới này. Du học sinh được gia đình chu cấp tiền ăn học, ngoài ra có thể đi làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt, tuy nhiên, ở thành phố đắt đỏ như Seoul, người Việt tại đây cũng phải chịu khá nhiều áp lực như học phí; học thêm tiếng Hàn (khoảng 9.000 USD/năm); tiền sách vở; tiền ăn ở ngoài (10 USD/bữa); tiền ký túc xá, hoặc nhà trọ ngoài trường (tới 800 USD/tháng) thậm chí cả phí giao thông...

Vì vậy, theo Ngọc Hân, mặc dù mức đóng BHYT theo tính toán lên hơn 13 triệu đồng của cả năm (trung bình mỗi tháng khoảng 1 triệu đồng), rõ ràng sẽ tăng gánh nặng chi phí của du học sinh tại đây, đặc biệt là những bạn điều kiện kinh tế không được khá giả.

Mặc dù vậy, theo nhiều du học sinh cũng như người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, không ít người sẵn sàng trả khoản tiền BHYT nhà nước này khi học tập và làm việc thời gian dài ở Hàn Quốc bởi lợi ích mang lại. Ngọc Hân cho biết, sang Hàn Quốc gần 1 năm, thời tiết khí hậu có nhiều thay đổi, nên có BHYT cũng giúp yên tâm rất nhiều khi không may phải đến bệnh viện và được hưởng dịch vụ y tế rất tốt tại đây.

Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc hiện lên tới 14.600 người và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh. Ảnh minh họa

 

Hệ thống BHXH cho người lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc khá phong phú, được thực hiện với các loại BHXH là: “BHYT quốc dân”; “Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động”; “Bảo hiểm tai nạn rủi ro”; “Bảo hiểm hưu trí quốc dân” áp dụng cho các lao động của các quốc gia đã ký Hiệp định An sinh xã hội với Hàn Quốc. Ngoài ra, Hàn Quốc còn thực thi một số loại bảo hiểm khác mà chi phí đóng thuộc về người lao động, ví dụ bảo hiểm hồi hương.

Chế độ BHXH bắt buộc với người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, trong đó, Chương trình BHYT quốc gia do Bộ Y tế Hàn Quốc và Phúc lợi và Tập đoàn BHYT quốc gia quản lý. Việc đóng BHXH là nghĩa vụ của người sử dụng lao động và chủ hộ gia đình. Nếu người tham gia bảo hiểm không đóng phí, Cơ quan quốc gia về BHYT có thể cưỡng chế việc đóng góp theo quy định của pháp luật. Số tiền đóng góp được tính theo tỉ lệ với tiền lương của người lao động, được thu thông qua người sử dụng lao động.

BHYT người lao động nước ngoài phải mua trong vòng 14 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng với công ty. Mức đóng hàng tháng được chia đều giữa người sử dụng lao động và người lao động theo tỷ lệ 50/50. 

BHYT quốc gia bao gồm điều trị y tế (bệnh tật, phòng chống thương tích, chẩn đoán, điều trị…) và kiểm tra y tế/việc khám sức khỏe định kỳ hàng năm. Khi lao động nằm viện thì việc thanh toán theo hình thức đồng chi trả với mức BHYT trả 80%, người lao động 20% chi phí; điều trị ngoại trú, BHYT chi trả khoảng  50% - 80% chi phí bảo hiểm. 

Phương thức này được áp dụng cho người lao động nước ngoài cũng như đối với người lao động Hàn Quốc.  

Theo Cục quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), sau gần 15 năm thực hiện theo nội dung Bản ghi nhớ gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc của Chương trình EPS, đến giữa năm 2018, Việt Nam đã đưa gần 99.000 lượt người sang làm việc tại thị trường Hàn Quốc

Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 41.725 lao động; trong đó thị trường Hàn Quốc là 1.853 lao động.

Theo Tổ chức NIIE (Thuộc Bộ Giáo dục Hàn Quốc), thống kê đến năm 2017, số du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc tăng rất nhanh với 14.600 người (năm 2016 chỉ có hơn 8.000 người).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn