Chương trình ý nghĩa này do Hội người mù trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu phối hợp với Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Michael Page Việt Nam tổ chức. Sự kiện thu hút gần 40 người khiếm thị tham gia.
Họ gồm những học sinh đang học lớp 12, sinh viên đại học hoặc những người đã học xong đại học và đang mong muốn có việc làm phù hợp.
Lạc quan tìm kiếm những cơ hội
Chị Nguyễn Thị Thu Uyên (23 tuổi) háo hức đến tham dự chương trình từ rất sớm. Chị Uyên hiện đang là sinh viên ngành ngôn ngữ Anh của trường Đại học Văn hiến. Hiện tại, chị đã hoàn thành xong chương trình học và đang chuẩn bị xét tốt nghiệp.
Năm 14 tuổi, chị Uyên phát hiện bản thân mắc bệnh thoái hóa võng mạc sắc tố. Căn bệnh quái ác đã khiến thị lực của chị mất dần. Chỉ 5 năm sau đó, chị đã không còn nhìn thấy ánh sáng. Từ tâm trạng buồn bã, sợ hãi, chị học cách chấp nhận sự thật và chuẩn bị tâm lý cho "hành trình mới".
"Tôi nhận thấy cơ hội học tiếng Anh của những bạn khiếm thị khá thấp nên mới quyết định trở thành giáo viên tiếng Anh để giảng dạy cho những bạn có cùng hoàn cảnh giống tôi. Là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, tôi lo lắng về vấn đề tìm kiếm việc làm sau khi ra trường.
Tuy nhiên, tôi luôn giữ sự tích cực và hiện tại, tôi cũng đang bổ sung thêm các kĩ năng, chuẩn bị hồ sơ xin việc thật kĩ để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng", chị Uyên chia sẻ.
Biết thông tin về chương trình, bà Đỗ Thị Chúc (50 tuổi) cùng con trai là anh Nguyễn Nhật Phúc (26 tuổi) đi từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) xuống TPHCM để trực tiếp tham gia. Bà Chúc chia sẻ, anh Phúc từng là sinh viên trường Đại học Ngoại thương và sau khi mổ khối u ở não, anh Phúc bị mất thị lực vào năm 2019.
Đi qua biến cố, anh Phúc tìm kiếm và gia nhập vào các cộng đồng dành cho người khiếm thị. Anh cũng học cách dùng các phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị, học cách để tự sinh hoạt. Sự mạnh mẽ của anh Phúc chính là động lực, niềm an ủi của bà Chúc trên con đường đồng hành cùng con.
Nhờ gia đình bảo lưu kết quả học tập và chuyển trường, anh Phúc đã tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh quốc tế tại Đại học Đà Lạt. Hiện tại, anh đang làm công việc biên phiên dịch cho một trung tâm y khoa ở Đà Lạt.
Với đam mê cùng khả năng về tiếng Anh, anh Phúc mong muốn tương lai có thể tìm được một công việc phù hợp hơn. Đặc biệt, anh Phúc dành nhiều sự quan tâm cho công việc giảng dạy tiếng Anh ở các trung tâm.
Chung tay giúp đỡ người khiếm thị
Theo thầy Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch Hội người mù trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu - nhu cầu tìm kiếm việc làm của cộng đồng người khiếm thị là vấn đề bức thiết, cần nhiều sự quan tâm. Người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn khi tìm việc làm, đặc biệt là trong khâu phỏng vấn. Do đó, đa số nhà tuyển dụng chưa thấu hiểu được hết khả năng của nhân sự là người khiếm thị.
Một số người khiếm thị may mắn được tuyển dụng làm ở các văn phòng chăm sóc khách hàng, đảm nhận công việc trực tổng đài của các công ty. Còn những người chưa có việc làm sẽ theo nghề massage hoặc đi đánh đàn tại các nhà hàng, quán cà phê.
Chương trình tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm hôm nay là cơ hội để những người khiếm thị chia sẻ về những khó khăn, mong muốn và dự định về công việc tương lai. Từ đó, các thành viên của Công ty Michael Page Việt Nam sẽ dành thời gian để giải đáp những thắc mắc, đưa ra nhiều lời khuyên thiết thực, định hướng việc làm cho người khiếm thị.
Đây là lần đầu tiên, Công ty Tuyển dụng nhân sự cấp cao Michael Page Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm cho người khiếm thị. Chị Nguyễn Thanh Ngân - Giám đốc Tư vấn tuyển dụng cấp cao của Công ty Michael Page Việt Nam - cho rằng, nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về người khiếm thị hiện còn khá hạn chế. Do đó, chị mong muốn chương trình sẽ là cầu nối để gia tăng nhận thức cho các doanh nghiệp về cộng đồng người khiếm thị.
"Có thể các bạn khiếm thị chưa tiếp xúc đủ với thế giới ngoài kia nên chưa thấu hiểu được giá trị thực tế của bản thân. Chúng tôi hy vọng các bạn sẽ cởi mở, tự tin hơn.
Để tìm kiếm được công việc phù hợp, chúng tôi nghĩ các bạn nên trau dồi thêm khả năng tiếng Anh vì xu hướng của các ngành nghề hiện tại là song ngữ. Bên cạnh đó, kĩ năng đối ngoại, tư duy phản biện, trình bày vấn đề và trau dồi kiến thức chuyên môn sâu cũng là những điều các bạn nên chuẩn bị kĩ trước khi tìm việc.
Từ những cuộc chia sẻ ngắn trong chương trình, công ty sẽ lập kế hoạch chi tiết, lâu dài để hỗ trợ các bạn trong tương lai. Chúng tôi dự định sẽ phân công các nhân sự để giữ liên lạc, tương tác với từng nhóm bạn khiếm thị để chia sẻ về kinh nghiệm sống, kĩ năng tìm và làm việc.
Đồng thời, đây cũng là cầu nối để giới thiệu kĩ năng, sự mong đợi và kết nối các bạn khiếm thị có nhu cầu tìm kiếm việc làm đến các doanh nghiệp", chị Ngân chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn