Tăng thuế thuốc lá để bảo vệ phụ nữ và trẻ em

21:40 | 27/06/2018;
Đây là khuyến cáo của tổ chức Y tế Thế đối với Việt Nam nhằm làm giảm số người hút thuốc lá trong tương lai, cũng như giảm các tác hại của khói thuốc lá đối với người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế), Tổ chức Sức khỏe toàn cầu Vital Strategies tổ chức hội thảo “Tác động của tăng thuế thuốc lá đến sức khỏe phụ nữ và trẻ em”.

Theo các chuyên gia phòng chống tác hại của thuốc lá, chính sách thuế và giá là một trong những chính sách hiệu quả giúp giảm tiêu dùng thuốc lá đã được WHO khuyến cáo cho các Quốc gia. Giá thuốc lá cao sẽ tạo động lực giúp người hút bỏ thuốc hoặc giảm lượng tiêu thụ, giảm số người mới hút. Tăng thuế thuốc lá đặc biệt có hiệu quả với nhóm trẻ vị thành niên. Ước tính khi tăng thuế để tăng giá 10% thì tỷ lệ giảm tiêu dùng ở nhóm này cũng là 10% hoặc cao hơn.

Tuy nhiên hiện nay mức thuế và mức giá ở Việt nam còn rất thấp, vì vậy khuyến cáo mức thuế tối ưu Việt Nam nên áp dụng là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 5.000 đồng/bao. Với mức tăng thuế này, ước tính sẽ giúp giảm 1,8 triệu người hút thuốc, 900.000 ca tử vong sớm do hút thuốc và giúp chính phủ tăng doanh thu thuế khoảng 10.700 tỷ đồng/năm.

hut-thuoc-la-thu-dong-tre-em-tue-an-anh-noi-bat.png
Khói thuốc lá khi hít phải gây ra nhiều chứng bệnh cho trẻ nhỏ

 Nghiên cứu GATS năm 2015 (điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành) công bố, người hút thuốc ở Việt Nam đã sử dụng 31 nghìn tỷ đồng để mua thuốc lá, tương đương với 2,4 triệu tấn gạo, đủ nuôi sống 14,3 triệu người/năm.

Bên cạnh đó, tổn thất kinh tế (vì mất khả năng lao động vì ốm đau và bệnh tật, tử vong sớm) do hút thuốc lá gây ra ở Việt Nam ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tại Việt nam thuốc lá gây ra 40.000 ca tử vong mỗi năm. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca vào năm 2030, nếu Việt nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Đáng lưu ý, phụ nữ, trẻ em là những người không sử dụng thuốc lá nhưng đang phải gánh chịu hậu quả của thuốc lá thụ động, phơi nhiễm ngoài ý muốn tại nơi làm việc, trường học cũng như trong gia đình.

Các thống kê cho thấy, có đến 1/2 số trẻ  từ 13 - 15 tuổi và 2/3 phụ nữ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động ngay tại gia đình ở Việt Nam. Theo các chuyên gia y tế, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng tỉ lệ viêm đường hô hấp, tăng triệu chứng hô hấp mãn tính, giảm sự phát triển ở phổi và tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh. Phụ nữ mang thai hít phải khói thuốc trong quá trình mang thai có thể gây biến đổi sự phát triển của bào thai, dễ xảy thai, đẻ non hoặc sinh con nhẹ cân…

Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra, trong thành phần của khói thuốc lá có tới 7.000 chất độc hại, trong đó có 70 chất gây ung thư và không có ngưỡng an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn