Thông tin được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2023, diễn ra ngày 29/12 tại Hà Nội.
Xét riêng trong quý 4/2023, GDP ước tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý 4 các năm giai đoạn 2020-2022.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 4 có xu hướng tích cực, cao hơn các quý trước của năm 2023, cụ thể quý 1 tăng 3,41%, quý 2 tăng 4,25%, quý 3 tăng 5,47%.
Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV tăng 3,54% so với quý trước. Tính chung, CPI năm nay tăng 3,25% so với cùng kỳ 2022, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra (dưới 4,5%).
Đáng chú ý, giá vàng năm 2023 tăng 4,16%, giá USD tăng 1,86% so với năm 2022.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Dịch vụ vẫn là nhóm đóng góp nhiều nhất vào giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2023 ước đạt 6.231 nghìn tỉ đồng, tăng 9,6% so với năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam năm 2023 đạt 12,6 triệu lượt người, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách quốc tế của năm 2023 nhưng chỉ bằng 70% năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19. Bên cạnh đó, số lượt người Việt Nam xuất cảnh đạt 5 triệu lượt người, gấp 2 lần năm trước.
Về năng suất lao động, bà Hương thông tin, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động, tương đương 8.380 USD/lao động/năm, tăng 274 USD so với năm 2022.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, mức tăng trưởng kinh tế 5,05% của Việt Nam là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn, nhiều nước tăng thấp. "Chúng ta có thể thấy nỗ lực của Việt Nam qua việc tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước", bà nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn