Thử làm ngư dân lúc bình minh
Tuy du lịch phát triển nhưng Kikipeo vẫn giữ được tất cả vẻ đẹp của một làng chài yên bình. Những tác động mặt trái của du lịch vốn hiển hiện ở những điểm đến khác của Tanzania nhưng chưa xuất hiện tại đây. Mặt biển như được vẽ nên từ những vân màu be và trắng, với những đụn cát nửa ẩn nửa hiện bên dưới bề mặt nước, với những hàng cọ in bóng trên bãi cát như đang hòa mình vào những vũ điệu của sóng đại dương.
Nhà nghỉ độc đáo trên sa mạc |
Tôi thức dậy thật sớm để ngắm bình minh trên biển Kikipeo. Không gian mang một vẻ đẹp tươi sáng, tràn đầy nhựa sống của một ngày mới. Khi ánh mặt trời phía xa xa xuất hiện chiếu những tia nắng đầu tiên thì cũng là lúc có thể nhìn thấy cảnh bình minh và những con thuyền của ngư dân đã khuất xa ngoài khơi. Những chiếc thuyền mỏng mảnh trắng toát nhỏ nhoi giữa mặt biển mênh mông.
Trời bắt đầu sáng hẳn. Cát mịn dưới chân, gió vờn tóc rối và nắng buông lơi trên khuôn mặt tươi hồng, để lòng mình hòa vào không gian của biển, của những khoảnh khắc riêng cho những ai lần đầu đặt chân đến nơi này. Tôi thong thả đi bộ ra sát mép nước, để cho sóng vỗ nhè nhẹ mát lạnh cả bàn chân. Rồi tôi hòa vào tốp ngư dân đang mua bán những thành phẩm mà họ đánh bắt được vào sáng sớm. Những người phụ nữ châu Phi địu con phía trước, trên đầu đội thúng hàng, tươi cười khi thấy tôi cầm chiếc máy chụp hình. Họ thân thiện, niềm nở với du khách. Gần đấy, một tốp người đang cùng nhau ghi lại những khoảnh khắc của biển lúc bình minh. Đi tiếp một đoạn nữa, tôi thấy một bé gái đang tỉ mẩn ngồi xây những lâu đài cát, chỗ khác lại là đôi tình nhân đang dắt tay nhau đi dạo trên bờ cát... Nhộn nhịp nhất vẫn là chỗ lưới kéo sắp vào bờ. Lưới càng gần bờ, càng nhiều người hơn. Ngoài những ngư dân thu cá kéo về, có cả những du khách hiếu kỳ, xem người dân ở đây đánh bắt cá thế nào. Hai bên mép lưới, mọi người chen nhau đứng xem và kéo thử.
Những chú cá nhảy lách tách trong chiếc lưới được người dân gom lại, trông thật thích. Trong đôi mắt những ngư dân ánh lên niềm vui với mẻ cá đầy. Trời dần sáng, mặt trời lên cao soi xuống biển những tia nắng, mặt biển như dát bạc. Sau một hồi làm ngư dân, tôi lại lang thang dọc bờ biển đón ánh nắng ấm áp của ngày mới, gió biển thổi nhẹ, táp vào mặt, vị của đại dương mằn mặn.
“Nơi những nền văn minh đi qua”
Đến Tanzania, có một nơi nữa mà bạn không thể bỏ qua, đó là thành phố đá với tên gọi Zanzibar, được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2000.
Cái tên "Zanzibar" có lẽ bắt nguồn từ tiếng Ba Tư “Zangi-bar”, có nghĩa là “bờ biển người da đen”. Lịch sử của thành phố này cũng khá thú vị. Những nhà nghiên cứ đã phát hiện ra rằng từ thời Đế chế Assyria cổ, tại đây đã hình thành những con đường buôn bán đồ gốm. Các thương nhân từ Iran, Ả Rập, Ấn Độ đã giao thương với Zanzibar từ thế kỷ thứ nhất. Họ tới đây mua bán các sản vật đặc trưng của địa phương. Trong những thế kỷ tiếp theo, nơi này liên tục chịu ảnh hưởng bởi những dòng thương nhân và các nền văn minh khác nhau đến từ Ai Cập, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập, Bồ Đào Nha... Lịch sử giao thương đầy biến động đó đã bồi đắp cho Zanzibar một di sản văn hóa pha trộn đặc sắc và khác hẳn với lục địa Tanzania. Đó là lý do tại sao người ta gọi Zanzibar là “Nơi những nền văn minh đi qua”.
Biển ở Zanzibar |
Zanzibar còn thu hút khách du lịch bởi thành phố đá được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Thành phố đá này cũng chính là kết quả pha trộn của các phong cách kiến trúc, trang trí đến từ Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ và châu Âu.
Một ngôi nhà cổ trong thành phố đá |
Khu trung tâm thành phố như một mê cung với những con đường hẹp chỉ dành cho khách đi bộ. Những ai yêu thích kiến trúc cổ kính tha hồ lang thang trong phố cả ngày mà không chán. Tại đây, bạn sẽ cảm nhận được rõ nét những dư âm của một thời phồn thịnh ở Zanzibar, hiển hiện trên những ngôi nhà được xây dựng cầu kỳ có bậc thềm cho người qua đường ngồi nghỉ.
Nét thu hút nhất với tôi là hoa văn trang trí trên những cánh cửa ra vào. Mỗi căn nhà có 1 chiếc cửa, mà mỗi cánh cửa lại là một thế giới hoa văn riêng. Tôi say mê ngắm nhìn, chụp ảnh từng cánh cửa. Nào là hoa văn Hindu trên cánh cửa ngôi nhà của người Ấn Độ, nào là điêu khắc hoa và lá trên cửa một ngôi nhà của người châu Phi. Điểm xuyết trong khu phố đá là những nhà thờ chính thống mang phong cách châu Âu do người Bồ Đào Nha và người Anh xây dựng nên. Bên cạnh đó, các nhà thờ Hồi giáo, các khu chợ, các cửa hàng đã tạo nên một thành phố đa diện đầy quyến rũ.
Thông tin cho bạn * Đi thế nào? Từ TP.HCM hoặc Hà Nội có chuyến bay đến Tanzania của hãng hàng không Qatar Airways, quá cảnh tại Doha. Giá vé khứ hồi khoảng 1.200 USD (hơn 25 triệu đồng). * Visa vào Tazania Bạn có thể làm visa tại ngay sân bay với mức phí 30 USD (khoảng 630.000đ). Lưu ý: Quy định cấp Visa cho du khách đi đến khu vưc Đông Phi, Tây Phi phải đính kèm theo văn bản đóng dấu có tên gọi là International Certificate of Vaccination Against Yellow Fever or Prophylaxis (Chứng Thư Chủng Ngừa hay Phòng Bệnh Sốt Vàng Da Quốc Tế). Bạn phải thực hiện tiêm chủng ngừa tại trung tâm y tế ở Việt Nam trước khi khởi hành 15 ngày. * Những điểm thăm quan - Công viên quốc gia ở hồ Manyara. - Miệng núi lửa Ngorongoro. - Khu bảo tồn Serengeti với những loài động vật ăn cỏ lớn nhất thế giới, có ngôi làng của thổ dân Masai. |