Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng cán bộ Hội

21:25 | 05/01/2019;
Đề án bồi dưỡng cán bộ Hội vừa được Thủ tướng phê duyệt đặt mục tiêu xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác phụ nữ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở.

Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025 đảm bảo 100% Chi hội trưởng được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội.

Theo đó, mục tiêu của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác phụ nữ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở; hội tụ đầy đủ năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đề án đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020 tối thiểu 70% cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội hoặc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo vị trí việc làm. Tối thiểu 70% Chi hội trưởng Phụ nữ được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội.

Giai đoạn đến năm 2025 các con số trên đều đạt 100%.

phu-nu-bac-kan.jpg
Đề án nhằm góp phần tạo ra đội ngũ cán bộ Hội dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt CLB Gia đình hạnh phúc trên địa bàn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn). Ảnh: Nhật Huân

 

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ hoàn thiện chương trình, tài liệu bồi dưỡng, bảo đảm cập nhật một số kiến thức, nội dung mới về công tác Hội, công tác xã hội, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, sẽ xây dựng mới một số chương trình, tài liệu bồi dưỡng; bảo đảm chương trình, tài liệu không trùng lặp, phù hợp với từng cấp Hội, từng địa bàn quản lý; kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, tăng thời lượng thực hành.

Bên cạnh đó, Đề án cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng; nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; hình thành đội ngũ báo cáo viên, chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác Hội, công tác xã hội, công tác phụ nữ và bình đẳng giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn