Thời gian qua, tỉnh đã triển khai lồng ghép và thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 song song cùng với các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để hỗ trợ cho người dân sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn; cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách; người dân tộc thiểu số.
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc không còn xã đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, thuận tiện cho việc đi lại của người dân.
Tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục đặt mục tiêu: Tất cả các xã, thôn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có hệ thống đường giao thông được rải nhựa hoặc bê tông hóa; đường giao thông nội đồng được cứng hóa toàn bộ; 100% trường, lớp học, trạm y tế tại các xã, thôn được xây dựng kiên cố và đạt chuẩn; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được tham gia Bảo hiểm y tế; tất cả phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 7%...
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết sẽ quan tâm tạo điều kiện cho người nghèo ổn định, phát triển sản xuất, việc làm, tăng thu nhập. Trong đó, tiếp tục thực hiện cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường bồi dưỡng, tư vấn, nâng cao kiến thức kỹ thuật canh tác, kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật theo hướng sản xuất hàng hóa, nhất là đối với các sản phẩm là thế mạnh của các địa phương, ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới, hộ nghèo làm nông nghiệp có lao động, có tư liệu sản xuất nhưng thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm sản xuất nhằm tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất, việc làm, phù hợp với đặc điểm của từng vùng, từng địa phương.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn