Khó vượt qua rào cản tâm lý và định kiến xã hội
Trương Trung Anh (thị trấn Văn Điển, Hà Nội), bị khuyết tật vận động (liệt tay phải, chân phải). Ở tuổi 25, Trung Anh cảm thấy mình là người vô dụng khi không thể xin được việc làm, không thể kiếm được tiền. Trung Anh cho biết, em cảm thấy chán nản khi "quanh ra, quẩn vào" trong nhà và chỉ làm vài "việc lặt vặt".
"Em đã rất nỗ lực để đi xin việc. Em tìm kiếm các cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp trên mạng xã hội nhưng kết quả đều bằng 0. Nguyên nhân cũng vì sức khoẻ của em không đáp ứng được công việc. Gần đây, em vừa học vừa làm con giống bằng giấy. Công việc này nhẹ nhàng, khá phù hợp với sức khoẻ của em. Vừa học vừa làm trong suốt gần 4 tháng qua nhưng em không nhìn thấy "tương lai" ở công việc này. Em rất mong muốn tìm được công viêc phù hợp để có thể nuôi sống bản thân", Trung Anh chia sẻ.
Biết được hạn chế của bản thân nên Trung Anh đã rất nỗ lực đi học nghề. Em từng học nghề may và máy tính. "Nghề máy tính đòi hỏi vận dụng trí não nhiều nên em không đáp ứng được. Em học nghề may nhưng em không tự tin đi xin việc. Em gặp rất nhiều rào cản tâm lý như sợ mình không hoàn thành được công việc, sợ ảnh hưởng đến tiến độ công việc của tập thể… Em nghĩ rằng người khuyết tật như mình cần phải vượt qua được nỗi sợ, sự tự ti thì mới mong tìm được việc làm", Trung Anh cho biết.
Kết nối các cơ hội việc làm cho thanh niên khuyết tật
Tại Hội chợ việc làm kết nối doanh nghiệp với lao động là người khuyết tật do Hội Người khuyết tật Hà Nội và dự án RCI tổ chức, chị Phạm Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Quốc tế H&H, cho biết: "Công ty H&H của chúng tôi sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ nên những người khuyết tật có thể đáp ứng được công việc này. Hiện công ty có 50 lao động là người khuyết tật. Tôi nhận thấy những lao động là người khuyết tật có khá nhiều ưu điểm. Đó là họ có thời gian, rất tập trung cho công việc, đặc biệt, họ là người khao khát công việc nên rất tận tụy, hết lòng với công việc, công ty. Khi sử dụng lao động khuyết tật, chúng tôi phải rất kiên trì để giúp họ tự tin, hòa nhập với mọi người".
Chia sẻ về những hoạt động nâng cao năng lực cho thanh niên khuyết tật để họ có thể đáp ứng được thị trường lao động, chị Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI), cho biết: "Chúng tôi đã thực hiện các hoạt động về đào tạo nghề và kết nối việc làm cho thanh niên khuyết tật. Chúng tôi không đào tạo tràn lan mà đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Trước hết, chúng tôi phải tìm hiểu nhu cầu doanh nghiệp. Dựa vào nhu cầu đó, chúng tôi mới tiến hành đào tạo. Trong quá trình đào tạo, chúng tôi tập huấn cho các bạn khuyết tật các kỹ năng mềm. Ví dụ kỹ năng tuân thủ các kỷ luật của công ty, kỹ năng tương tác với khách hàng, tương tác với lãnh đạo, với đồng nghiệp, kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi những xâm hại, quấy rối tình dục nơi làm việc, kỹ năng quản lý tài chính…".
"Việc làm là hiện diện cũng như đóng góp của người khuyết tật. Cần xóa bỏ suy nghĩ người khuyết tật ít có đóng góp cho xã hội. Nếu người khuyết tật có cơ hội như người những người khác thì họ cũng có những đóng góp như vậy. Năng lực của người khuyết tật cũng như đóng góp của họ sẽ giống như người không khuyết tật. Tôi mong thanh niên khuyết tật có cơ hội việc làm, công việc có hợp đồng và có bảo hiểm. Tôi mong các cha mẹ có nhìn nhận đúng, hiểu đúng về năng lực cũng như khả năng làm việc của con mình. Với thanh thiếu niên khuyết tật, các bạn hãy tự trang bị cho mình những kỹ năng, kiến thức mà công việc đòi hỏi để các bạn có thể là sẵn sàng tham gia thị trường lao động", chị Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ.
Nỗ lực tạo cơ hội việc làm cho thanh niên khuyết tật là việc mà Hội Người khuyết tật Hà Nội đang thực hiện trong thời gian vừa qua. Anh Phạm Quang Khoát, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật Hà Nội, Trưởng ban Thanh niên, cho biết: "Chúng tôi nỗ lực trong việc kết nối với các đơn vị đào tạo nghề cho thanh niên khuyết tật, định hướng cho thanh niên khuyết tật lựa chọn được nghề phù hợp với sức khỏe của các bạn, kết nối với các doanh nghiệp để tạo cơ hội việc làm cho thanh niên khuyết tật. Thời gian gần đây, chúng tôi đã kết nối với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hòa nhập (RCI) mở 3 Hội chợ việc làm, mở ra cơ hội việc làm cho 30 thanh niên khuyết tật".
Bên cạnh đó, để tạo cơ hội việc làm cho thanh niên khuyết tật, theo anh Phạm Quang Khoát, Hội Người Khuyết tật Hà Nội còn kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức phiên giao dịch việc làm có lồng ghép hoặc phiên giao dịch việc làm riêng cho người khuyết tật. Ngoài ra, kết nối với Trung tậm Dịch vụ và Hỗ trợ Thanh thiếu niên của Thành đoàn Hà Nội tổ chức phiên giao dịch việc làm cho thanh niên khuyết tật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn