Tạo đà cho phụ nữ vùng cao vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống

17:56 | 07/08/2024;
“Phủ” tới những vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp bà con, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số vươn lên trên vùng đất khó.

Có dịp tham gia vào một buổi giao dịch tại Điểm giao dịch xã Pà Cò, NHCSXH huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc đang hiện hữu của những người phụ nữ dân tộc nơi đây.

Pà Cò là một trong những xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nơi sinh sống của trên 600 hộ dân đồng bào Mông. Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều phụ nữ đã mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế. 

Câu chuyện của bà Mùa Y Số (xóm Cang) là một ví dụ tiêu biểu. Mấy năm trước, gia đình bà chỉ có 1 con bò sinh sản, thu nhập chính đến từ hơn 1ha đất trồng ngô. Nhận thấy tiềm năng nuôi bò sinh sản, gia đình bà Số đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để mua thêm 1 cặp bò sinh sản. Với điều kiện chăn thả phù hợp, nguồn thức ăn dồi dào, cặp bò lớn nhanh, sinh sản ổn định nên đàn bò qua mỗi năm lại tăng đàn. Đến nay, khi đến hạn trả nợ gốc cho ngân hàng, đàn bò của gia đình bà Số đã tăng lên 7 con. 

Bà Số chia sẻ: "Trước đây, trên này bà con còn nghèo lắm, nhờ có vốn vay của Nhà nước mới mua được cây giống, con giống để nuôi, phát triển kinh tế. Bây giờ con bò, con lợn đã sinh sản, gia đình có thu nhập ổn định rồi nên trả nợ gốc cho ngân hàng để người khác cũng được vay vốn".

Tạo đà cho phụ nữ vùng cao vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống- Ảnh 1.

Phụ nữ dân tộc thiểu số tại Pà Cò làm du lịch cộng đồng, phát triển kinh tế

Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò Phàng A Chà cho biết: Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bộ mặt làng quê của xã đã ngày càng khang trang hơn, đời sống người dân đã được nâng lên từng ngày. Trong đó, tín dụng chính sách có vai trò rất quan trọng đối với công cuộc giảm nghèo trên địa bàn xã. Từ nguồn vốn này không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo, mà còn có những hộ vươn lên làm giàu với những hướng phát triển kinh tế mới, như: làm du lịch cộng đồng, trồng cà chua, chè shan tuyết, đậu đỗ. Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 400 hộ dân đang vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Mạnh dạn vươn lên thoát nghèo

Len lỏi đến tận từng xóm nhỏ, nguồn vốn chính sách đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho nhiều gia đình. Tại huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, với 96% là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mông), giờ đây đã xuất hiện những cung đường xuống xã, về bản được mở rộng, bê tông hóa bằng phẳng, xanh mát bóng cây. Tuy vẫn nằm trong số những huyện nghèo nhất cả nước, nhưng khát vọng thoát nghèo của đồng bào nơi đây đã và đang được đánh thức bằng việc thực hiện hiệu quả những chủ trương, chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước, những chương trình, dự án giảm nghèo được địa phương triển khai linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Minh chứng sinh động, tại xã Chế Cu Nha, nhờ đồng vốn ưu đãi, đã thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm truyền thống, tập hợp những phụ nữ người Mông trong xã khôi phục nghề dệt, nghề vẽ hoa văn trên sáp ong để bán cho khách du lịch, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Bà Lý Thị Ninh - Tổ trưởng tổ thêu dệt bản Dề Thắng phấn khởi: Phụ nữ người Mông hôm nay không những biết sử dụng vốn vay ưu đãi để khôi phục nghề truyền thống, biết thêu thùa, dệt sợi, mà còn biết cách làm giàu bằng cách hướng dẫn phục vụ du khách ngắm ruộng bậc thang.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Nông Việt Yên cho biết: Đây là kết quả của việc huyện đã đổi mới cách tiếp cận, đưa hộ nghèo trở thành chủ thể thực sự của chương trình giảm nghèo bền vững, đặc biệt chú trọng việc huy động thêm nguồn lực xã hội hóa, nhất là tập trung nguồn vốn chính sách, ưu tiên đầu tư kịp thời, đúng đối tượng, trúng mục tiêu cho công tác giảm nghèo…

Tạo đà cho phụ nữ vùng cao vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống- Ảnh 2.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân huyện Mù Cang Chải

Nâng cao chất lượng sống, giảm bất bình đẳng nơi vùng cao

Đánh giá về vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ThS. Đặng Đức Thắng - Giám đốc Ban Tín dụng Người nghèo, NHCSXH cho biết, các chương trình tín dụng chính sách xã hội dành cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thiết kế thuận lợi cho từng đối tượng thụ hưởng với quy định cụ thể về điều kiện theo từng chương trình tín dụng, góp phần tăng khả năng tiếp cận được nguồn vốn vay của bà con. 

Nhờ tiếp cận các sản phẩm tín dụng của NHCSXH, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn, có điều kiện phát triển kinh tế để thoát nghèo cũng như đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về nhà ở, công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, chi phí học tập cho con em. Việc giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm cho thấy các sản phẩm tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai hiệu quả, góp phần gia tăng cơ hội nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế hộ gia đình là hộ nghèo, đối tượng chính sách, đặc biệt là hộ dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, biên giới… và giảm bất bình đẳng kéo dài cho những đối tượng này.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn