Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 480/TB-VPCP ngày 22/11/2023 kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm của đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã trao đổi, làm rõ thêm những vấn đề mà các bên cùng quan tâm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ động xử lý ngay, có văn bản trả lời rõ ràng, cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn đến các nhà đầu tư đã luôn đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng với Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp khó lường vẫn cam kết đến Việt Nam và mở rộng đầu tư trong thời gian tới.
Trong bối cảnh trên, Thủ tướng đã nhắc lại 3 cam kết với nhà đầu tư:
- Thứ nhất, luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào.
- Thứ hai, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài, hiệu quả ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
- Thứ ba, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài
Để thực hiện các cam kết và đồng hành cùng các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương:
Tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm "Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển".
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước, nhất là trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, sản xuất bán dẫn, chip…; tiếp tục thúc đẩy phát triển hạ tầng chiến lược nhất là hạ tầng giao thông để giảm chi phí logistics, giảm chi phí cho sản phẩm, tăng tính cạnh tranh…
Chủ động theo thẩm quyền xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển các ngành chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, sản xuất.
Tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà, gây mất thời gian, công sức, cơ hội; tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất… trong bối cảnh khó khăn.
Nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó với một tinh thần không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực của xã hội, trong đó có đầu tư nước ngoài.
Tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chuyển đổi, phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh một số đề nghị và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo tới các tổ chức, Hiệp hội và doanh nghiệp có liên quan.
Cụ thể, nghiên cứu, xây dựng chiến lược đầu tư phát triển lâu dài, bền vững phù hợp các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và tiềm năng khác biệt hoặc cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam.
Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp, vì lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân Việt Nam với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Các hiệp hội cần làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; kịp thời thông tin, báo cáo các vướng mắc, khó khăn của các hội viên, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, kịp thời kiến nghị, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp, và là cầu nối quan trọng với Nhà nước Việt Nam, Nhân dân Việt Nam.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chuyển đổi, phát triển chuỗi cung ứng với sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam, tham gia đào tạo nhân lực, đầu tư hạ tầng, đóng góp vào xây dựng và hoàn thiện thể chế, cùng với doanh nghiệp Việt Nam để đổi mới quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn