Sáng 5/11, tại tỉnh Tiền Giang, Hội LHPN Việt Nam tổ chức hội thảo Dự án 8: "Giải pháp thúc đẩy mô hình, hoạt động tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ phù hợp với đặc thù vùng miền".
Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, cho biết, những năm qua các hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ do Hội LHPN Việt Nam triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội LHPN các cấp đã làm tốt công tác giảm nghèo, đẩy mạnh các mô hình sinh kế tạo việc làm tại chỗ, hỗ trợ vốn, kiến thức kinh doanh, kết nối thị trường; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nông thôn mới...
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh, Hội LHPN các tỉnh/thành vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng đã có nhiều giải pháp sáng tạo, hiệu quả phù hợp với đặc điểm vùng miền trong thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".
Tuy nhiên, các cấp Hội cần phải tiếp tục nâng cấp lên một tầm cao mới với những giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá hơn; góp phần khắc phục được những khó khăn, bất cập.
Bà Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, khi hội viên, phụ nữ có sinh kế bền vững sẽ giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra hiện nay, như vấn đề di cư, đặc biệt là việc phụ nữ phải mang con nhỏ đến các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương… làm việc.
"Phải làm sao tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức. Chính bản thân hội viên phải có sự thay đổi để có sinh kế bền vững, có việc làm, thu nhập ổn định", Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nói và lưu ý các cấp Hội cần phối hợp tốt hơn nữa với chính quyền, các sở ngành địa phương để giúp cho hội viên, phụ nữ có môi trường, điều kiện tốt nhất để thực hiện quyền năng kinh tế, sinh kế bền vững.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh cũng lưu ý các cấp Hội cần kiên trì vận động, thuyết phục lan tỏa các giá trị; đặc biệt là các chương trình khởi nghiệp sáng tạo, sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, phát huy tốt vai trò của tổ chức Hội, vai trò đại diện cho giới nữ và vai trò của lực lượng nòng cốt.
Hãy làm điều bản thân thích nhất, có khả năng nhất
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu cho rằng, vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đặc biệt quan tâm đến phụ nữ nông thôn. Theo ông Diệu, những khó khăn, bất cập trong cơ sở hạ tầng, giáo dục… của vùng đặt ra cho lãnh đạo tỉnh cần thiết phải có những định hướng lớn trong các vấn đề của phụ nữ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ là hoàn toàn phù hợp với vai trò của phụ nữ trong tình hình mới. Tạo điều kiện để người phụ nữ thực hiện quyền năng trong phát triển kinh tế - xã hội và tham gia quản lý xã hội; khẳng định bước tiến của người phụ nữ.
Là người truyền lửa, gắn bó với không ít phụ nữ khởi nghiệp, bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho biết, khi khởi nghiệp, thuận lợi hay khó khăn mà phụ nữ gặp phải cũng không nhiều hơn hay ít hơn nam giới.
Bà Vũ Kim Anh cho hay đã gặp rất nhiều phụ nữ rất quyết liệt, nhưng trong sự quyết liệt đó vẫn có nét dịu dàng của người phụ nữ, từ đó đạt được hiệu quả cao trong công việc. Hiện nay, các bạn trẻ biết vượt qua rào cản về giới tính, biết phát huy những thuận lợi của người phụ nữ để phát triển công việc, bản thân.
Phó giám đốc BSA cũng cho rằng, khi bắt đầu sinh kế thì điều cần quan tâm nhất là việc kinh doanh, bán sản phẩm. Ngoài ra, cần phải xác định bản thân làm kinh tế vì cái gì và nên chọn làm điều mình thích nhất, có khả năng làm tốt nhất, chọn làm điều xã hội và thị trường cần, có thể kiếm được lợi nhuận.
Điểm qua một số dự án khởi nghiệp thành công của các bạn nữ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, bà Vũ Kim Anh cho rằng, khi bắt đầu khởi nghiệp, kinh doanh thì cần phải có sự sáng tạo, đam mê và cả kiến thức. "Bên cạnh đó, luôn phải học, học mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Phải biết công nghệ và khai thác mạng xã hội, chuyên gia tư vấn; tạo được sự khác biệt của sản phẩm, địa phương", bà Vũ Kim Anh chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn