Tại tỉnh Phú Yên, cây tra được trồng nhiều ở ven biển, cho nguồn nguyên liệu dồi dào. Bằng cách phơi khô, rửa sạch những chiếc lá già được lựa chọn kỹ rồi cho vào khuôn máy ép nhiệt, thủy lực, chị Vũ Thị Thu Hà đã tạo nên những sản phẩm xinh xắn, tiện dụng.
Chị Hà cho biết, hiện nay chị đã thiết kế được 5 sản phẩm có kích thước nhỏ và vừa, thay thế hộp nhựa, hộp xốp, đĩa dùng một lần. Các sản phẩm không chỉ tiện dụng mà còn đẹp mắt.
Chia sẻ về công việc này, chị Hà cho biết, bản thân chị từng tham gia nhiều hoạt động cộng đồng như: Sách hóa nông thôn Việt Nam; Bán trái cây xây tủ sách và khởi xướng hành trình 1 tỷ cây xanh. Vì vậy, chị mong muốn được góp phần vào thay đổi nhận thức của cộng đồng về sống "xanh".
"Sống xanh chính xác hơn là hướng đến sống thuận với tự nhiên. Nếu chúng ta cứ bị cuốn sâu vào lối sống tiêu dùng tiện lợi mà bất chấp hậu quả đối với môi trường thì chúng ta sẽ không còn đủ thời gian để thay đổi và sửa chữa những sai lầm.
Trái đất đang bị tổn thương nhiều vì mất rừng, hệ sinh thái bị biến dạng và khí hậu biến đổi, bệnh tật gây ra bởi virus và vi khuẩn ngày càng phổ biến. Cách chữa lành tốt nhất là hòa với thiên nhiên để được cân bằng và chữa lành, sống thuận với tự nhiên, phục hồi thiên nhiên", chị Hà bày tỏ.
Hành trình đến với những chiếc đĩa lá đối với chị Hà bắt dầu từ những lần đi nhặt rác ở bãi biển tại Phú Yên. Chị phát hiện ra rác thải nhựa rất nhiều từ các hàng rong bán trên bờ biển và người dân mua đồ ăn dọc đường mang tới bãi biển ăn xong vứt tại chỗ. Nhặt mãi không hết, nhóm đã đặt thùng rác để người dân bỏ rác vào thùng nhưng cũng chỉ hạn chế được một phần.
Lúc này chị nghĩ đến giải pháp dùng lá cây, như người xưa thường dùng lá dong, lá chuối để gói. "Nhưng hiện nay bê tông phủ khắp đường làng, còn đâu sẵn lá để dùng. Vô tình tôi thấy bài của một bạn trên facebook chia sẻ ý tưởng về những chiếc đĩa ép từ lá tra, lá nho biển, tôi thấy đúng cái mình đang tìm kiếm.
Vậy là tôi đã đầu tư một dây chuyền sản xuất để làm sản phẩm. Tôi hy vọng mọi người đón nhận những chiếc đĩa lá bằng sự trân trọng với sức khỏe bản thân, với môi trường sống hiện tại và tương lai của chính chúng ta", chị Hà chia sẻ.
Trong quá trình sản xuất, chị gặp không ít khó khăn bởi giá thành phẩm một chiếc đĩa lá cao hơn 3-4 lần sản phẩm nhựa và tương đương hoặc cao hơn sản phẩm giấy. Tuy nhiên, chị vẫn kiên trì với hướng đi của mình, bởi chị nghĩ, một ngày nào đó cộng đồng sẽ cân nhắc, tiết kiệm các chi phí khác để dùng những sản phẩm "xanh" thay vì sản phẩm nhựa.
Song song với đó, chị tạo nên những chương trình giáo dục trải nghiệm "chuyện của lá" ở làng chài để thu hút sự quan tâm của cộng đồng về hoạt động sống "xanh".
Theo chị Hà, sản phẩm đĩa lá tra không chỉ là giải pháp thay thế, mà còn là cơ hội thúc đẩy trồng cây tra ở các tỉnh ven biển của Việt Nam, qua đó vừa góp phần làm cây chắn gió bão, chống xói mòn, vừa tạo ra nguồn thu cho người dân từ việc khai thác lá tra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn