+ Sinh ra trong một gia đình mà các thành viên đều theo đuổi sự nghiệp âm nhạc, tại sao anh lại không trở thành ca sĩ?
Lúc nhỏ, tôi không có dự định làm nghệ sĩ. Hay nói cách khác là nghề chọn tôi, chứ không phải tôi chọn nghề. Lý do khi ấy tôi ghét nghệ thuật là bởi cha mẹ tôi đều là nghệ sĩ và họ chia tay từ khi tôi còn niên thiếu. Tôi từng nghĩ do họ làm nghệ sĩ nên dễ dàng từ bỏ nhau. Đến sau này, khi trưởng thành rồi, tôi mới hiểu tất cả là do số phận.
Tôi trở thành diễn viên bởi năm 1978, khi tốt nghiệp phổ thông, lực học của tôi rất bình thường. Tôi tự nghĩ rằng mình không thể thi đại học. Đúng lúc đó, Nhà hát Tuổi trẻ mở lớp diễn viên đầu tiên do cô Phạm Thị Thành cùng cô Hà Nhân sáng lập. Chính cha đã dẫn tôi tới gặp chú Doãn Hoàng Giang, khi đó còn là đạo diễn trẻ. Chú giúp tôi tập những động tác kịch cơ bản đầu tiên, sau đó tôi thi, lần lượt thi đỗ qua các vòng.
+ Không lâu sau, anh đã trở thành một trong những gương mặt nổi trội tại Nhà hát Tuổi trẻ. Những vai diễn của thế hệ diễn viên khóa I khi đó đã chinh phục khán giả từ Bắc vào Nam. Anh có còn nhớ thời hoàng kim đó?
Những ngày ấy kịch nói là món ăn tinh thần hấp dẫn bậc nhất. Những năm 1980, sự xuất hiện của Nhà hát Tuổi trẻ đã đem đến một luồng gió mới cho đời sống kịch nghệ nước nhà. Bởi chúng tôi được đào tạo theo phong cách mới, cách diễn vừa chân thực, vừa sinh động. Tôi nhớ khi ấy có những vở kịch chúng tôi diễn tới 350 suất diễn trên khắp đất nước, đặc biệt tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Mỗi khi diễn xong, khán giả lại đứng đợi sẵn thành hai đường, nghệ sĩ đi ra như cầu thủ bước ra từ phòng thay đồ vào sân vận động vậy. Thù lao của chúng tôi khi ấy không nhiều nhưng nguồn động lực từ khán giả thì khổng lồ. Cả hai bên cần nhau và nuôi dưỡng nhau trong không gian đầy sinh khí ấy.
+ Sân khấu hiện nay bị cạnh tranh dữ dội bởi các loại hình nghệ thuật khác và thực tế là ngày càng ít khán giả trẻ tới rạp để theo dõi một vở kịch. Anh có ngậm ngùi trước những thay đổi ấy?
Chúng ta phải chấp nhận và thích nghi với sự thay đổi thôi, bởi đó là sự vận động của xã hội loài người. Trước kia, truyền hình từng là số 1 nhưng hiện tại cũng đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt trước điện thoại thông minh. Và chục năm nữa, ai biết được rằng, sau điện thoại thông minh sẽ là thứ gì khác nữa?
Chúng ta phải chấp nhận rằng mình làm nghệ thuật và cho ra đời những sản phẩm phù hợp với mong muốn của những người thực sự yêu mến và quan tâm tới nó, vậy là đủ. Tôi cũng cho rằng sân khấu sẽ có sự thay đổi nhất định khi được nhà nước tạo điều kiện và các doanh nghiệp nhập cuộc. Một lần, khi tôi sang Nhật Bản công tác, họ có chia sẻ với tôi một điều mà tôi vô cùng tâm đắc. Đó là việc ở đây có một quy định rằng khi một doanh nghiệp đóng thuế, họ sẽ phải đóng thuế cho văn hóa. Hoặc doanh nghiệp đó có tài trợ cho hoạt động văn hóa thì sẽ được giảm thuế của nhà nước. Sự đồng hành này sẽ tạo nguồn dinh dưỡng nhất định cho văn hóa, từ đó văn hóa cũng phải có sự nỗ lực, vận động để đền đáp mong muốn của khán giả.
+ Cảm ơn những chia sẻ của anh!
NSƯT Chí Trung sinh năm 1961 tại Hà Nội, là con trai của nghệ sĩ Quý Dương và nghệ sĩ violin Phùng Thúy Lan. Anh từng tham gia các vở diễn "Othelo", "Romeo và Juliet", "Lời thề thứ 9", "Trò đời"... Anh đặc biệt được khán giả yêu mến qua chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm. Chí Trung lần đầu tham gia Táo Quân vào năm 2005 với vai Táo Giao thông. Từ đó đến nay, anh liên tục xuất hiện trong chương trình truyền hình đặc biệt đêm giao thừa mỗi năm với các vai Táo Giao thông, Táo Xây dựng, Táo Quan chức, Táo Xã hội… Đón Tết Nguyên đán 2022, nghệ sĩ Chí Trung tiếp tục tham gia chương trình Táo quân và đang cùng các nghệ sĩ khác gấp rút tập luyện.
NSƯT Chí Trung được bổ nhiệm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từ năm 2017. Mới đây, anh đảm nhận vai trò MC chương trình "Vui khỏe có ích" phát sóng vào thứ 7 hàng tuần trên VTV3.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn