Tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ tái định cư sau dự án thủy điện A Vương

08:23 | 26/11/2018;
Hơn 10 năm về nơi ở mới, hiện phụ nữ ở các khu tái định cư tại huyện Đông Giang và Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) vẫn thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm và cái đói nghèo vẫn còn đeo bám mãi. Họ mong mỏi được hỗ trợ sinh kế lâu dài để ổn định cuộc sống.
Nghèo đói vì thiếu đất canh tác
 
thuy-dien-a-vuong.jpg
Nhà máy thủy điện A Vương
Dự án thủy điện A Vương khởi công tháng 8/2003 và hoàn thành tháng 12/2008. Để làm thủy điện A Vương, hơn 300 hộ dân đồng bào Cơ Tu phải dời làng, nhường đất đến khu tái định cư được xây sẵn. Các hộ dân ở 5 thôn AZal, A Dớ, Tà Rèng, Trờ Gung và A Đền phải di dời đến nơi ở mới tại 2 khu tái định cư PachePalanh và CutChrun (xã Macooih, huyện Đông Giang) và khu tái định cư A Lua (xã Dang, huyện Tây Giang).
Tuy nhiên, ở A Lua, do sạt lở, nhiều công trình đã bị sụt lún xuống lòng hồ thủy điện, khu tái định cư cho dân bị bỏ hoang. Sau đó, UBND huyện Tây Giang đã lập phương án di dời dân vào 2 khu tái định cư lòng hồ thủy điện Ka La, Ka Lua đến khu định cư mới thuộc 2 thôn Ka Tiếc và Ba Đull, cách khu tái định cư cũ khoảng 6 km đường rừng.
Bà Phạm Diệu My - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) và Tiến sĩ Nguyễn Quý Hải chia sẻ rằng, CSRD đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tác động giới của thủy điện A Vương bằng việc áp dụng bộ công cụ do Oxfam đề xuất trong “Cân bằng tỉ lệ: Sử dụng đánh giá tác động giới trong phát triển thủy điện”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đến nơi mới định cư thì điện, đường, trường học, trạm y tế, nước đảm bảo. Nhìn chung, đời sống người dân có nhiều chuyển biến nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tới gần 48%. Trước đây, họ chủ động hơn vì có sẵn phương tiện sản xuất và đất nương rẫy. Khi ra khu mới thì tư liệu sản xuất bị hạn chế, gánh nặng kinh tế phụ nữ thêm nhiều hơn. Một số thay đổi trong cấu trúc xã hội kéo theo việc nam giới phải đi làm ăn xa nên phụ nữ gánh nhiều trọng trách hơn.
khu-tai-dinh-cu.jpg
Khu tái định cư PachePalanh (xã Macooih, huyện Đông Giang) 
Hơn 10 năm về nơi ở mới, hiện người dân vẫn thiếu đất sản xuất, ruộng nước không có, không có chỗ để phát nương làm rẫy. Trong khi đó, nhân khẩu ngày một tăng lên khiến cuộc sống thêm khó khăn. Không có đất sản xuất đồng nghĩa với không có việc làm và cái đói nghèo cũng đeo bám mãi. Hai khu tái định cư PachePalanh và CutChrun đã phát sinh tới 126 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu không có đất ở, đất sản xuất, không có công ăn việc làm. Các dự án tái định cư thủy điện đã làm mất đi “văn hóa lúa rẫy” của đồng bào miền núi. Người dân phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc sinh kế. Nếu bài toán đất sản xuất cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng các dự án thủy điện không được giải quyết thì khó tránh khỏi việc tái diễn tình trạng phá rừng làm nương rẫy.
 
phat-gao.JPG
Công ty thủy điện A Vương hỗ trợ gạo cứu đói mùa giáp hạt ở xã Macooih
Theo ông Nguyễn Quý Hải, việc không chú ý đến vấn đề giới khi thực hiện các dự án kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ đem lại những tác động tiêu cực khó giải quyết đến cộng đồng nói chung, mà còn tác động mạnh mẽ hơn lên phụ nữ vốn đã chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, đánh giá tác động giới ở vùng hạ lưu cho thấy sự khó khăn của phụ nữ trong việc thay đổi sinh kế truyền thống trong một môi trường phi nông nghiệp hóa do những điều kiện tự nhiên mới gây nên (đất đai, thổ những, lũ lụt…), trong khi những điều kiện về đô thị hóa và công nghiệp hóa chưa phát triển để đáp ứng đủ nhu cầu mới về sinh kế, việc làm, phát triển cuộc sống.
 
Trao sinh kế bền vững cho bà con
 
Bà Diệu My cho biết, CSRD nghiên cứu, đánh giá nhu cầu kinh tế của người dân vừa hỗ trợ thúc đẩy và tăng quyền cho phụ nữ sẽ cải thiện được những tác động mà họ đang gánh chịu. CSRD hướng dẫn họ viết những mong muốn, cách thức để phát triển sinh kế, sau đó huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cộng đồng và chính từ các dự án thủy điện. Lâu nay, thủy điện A Vương hằng năm vẫn tặng quà, hỗ trợ cho dân nhưng mang tính ngắn hạn hay xây dựng hệ thống cảnh báo xả lũ. Điều Công ty CP Thủy điện A Vương cần làm hiện nay là xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ lâu dài cho mô hình sinh kế cho người dân ở khu tái định cư.
phu-nu-co-tu-1.jpg
Phụ nữ ở khu tái định cư còn nhiều khó khăn do thiếu đất canh tác
Hội phụ nữ địa phương và chính quyền địa phương đã có những tác động tích cực khi cùng chị em tìm hướng làm ăn mới. Các hoạt động sinh kế tại các khu tái định cư dựa vào trồng lúa xen kẽ với sắn, mía, chuối, trồng cây công nghiệp như keo, cao su. Ngoài ra, họ chăn nuôi lợn, gà, trâu bò… Hội LHPN huyện Đông Giang đã đứng ra ủy thác cho hội viên phụ nữ vay vốn qua Ngân hàng chính sách xã hội để chị em có điều kiện phát triển kinh tế.
 
doan-thi-van.JPG
Bà Đoàn Thị Vân - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Giang
Bà Đoàn Thị Vân - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Giang, cho biết: Hội đã hỗ trợ phương thức sản xuất để xây dựng các mô hình ở 2 khu tái định cư PachePalanh và CutChrun: trồng ớt Ariêu và thành lập hợp tác xã ớt Ariêu để chị em có nơi tiêu thụ và tăng thêm thu nhập. Mô hình trồng ớt Ariêu được thực hiện từ năm 2014. Ớt Ariêu thường mọc trên núi đá vôi, quả nhỏ nhưng thơm, có vị cay nồng rất đặc biệt. Khi chính vụ, ớt được bán với giá 150.000 đồng/kg nhưng trái vụ có khi lên đến 300.000 đồng/ kg.
Khi loại ớt này đưa ra thị trường, người tiêu dùng rất chuộng và bán được giá nên chính quyền địa phương quyết định đưa vào sản xuất với quy mô lớn hơn. Ớt Ariêu thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng nên quá trình trồng ớt diễn ra rất thuận lợi, ớt xanh tốt quanh năm và cho sản lượng tương đối cao. Ớt Ariêu ra trái quanh năm nên trung bình mỗi tháng chị em nơi đây thu hoạch khoảng 2 đợt. Chính ớt Ariêu đã giúp phụ nữ 2 khu định cư đổi đời.
 
ot-a-rieu-1.jpg
Ớt A riêu giúp phụ nữ xã Macooih đổi đời
Còn theo bà Lê Thị Lai, cán bộ Hội LHPN huyện Tây Giang, chị em ở khu định cư thuộc huyện này đang tích cực tham gia vào mô hình khai thác ruộng bậc thang và trồng đặc sản nếp than. Sản xuất lúa nếp giá trị cao hơn làm lúa thường gấp 2 lần mặc dù thời vụ chậm lại vì là lúa dài ngày, sâu bệnh ít, lúa phát triển tốt. Hội phụ nữ sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra, sử dụng lúa nếp vào mở rộng chế biến, tạo thành đặc sản vùng miền, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Cơ Tu.
 
ot-a-rieu-2.jpg
Đặc sản ớt A riêu ở xã Macooih

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn