Tạo việc làm lúc nông nhàn cho phụ nữ

10:06 | 08/11/2016;
Để giúp hội viên lúc nông nhàn, các cấp Hội LHPN Tuyên Quang đã nỗ lực đào tạo nghề, tạo việc làm ngay tại địa phương. Nhờ đó, chị em có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc.

Từ khoảng 14h, sân nhà chị Bàn Thị Phương (thôn Tân Quang, xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn) đã có nhiều chị em trong xóm đến làm tăm. Chị La Thị Nhất, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Tân Quang, cho biết thôn được thành lập năm 2004, chủ yếu là dân tộc Dao từ Na Hang di cư xuống. Do địa phương có ít đất sản xuất, nên thời gian đầu, cuộc sống chị em gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Hội đã tìm hiểu và đưa mô hình làm tăm về địa phương.

Cũng theo chị Nhất, người dân địa phương gọi đi chẻ tăm là “đi ngồi” và hễ nhà nào có sân rộng là mọi người mang dao, tre tới lập thành “hội”. Hiện trong thôn có rất nhiều hội chẻ tăm, như hội của đàn ông, đàn bà, hội của người già, con gái. Nhờ đó, thu nhập của chị em đạt từ 50.000 đồng đến 80.000 đồng/ngày. Một số hội viên đã thoát nghèo.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mỗi năm cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình (thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên) đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm hội viên ở địa phương. Chị Lục Thị Bình, chủ cơ sở, cho biết trang phục của bà con các dân tộc rất phong phú và đặc sắc. Một phần, chị muốn lưu lại những nét văn hóa của bà con các dân tộc, một phần muốn phát triển kinh tế nên vợ chồng chị tìm sang Trung Quốc học nghề dệt thổ cẩm. Khi đã cứng tay nghề, chị về quê mở cơ sở dệt thổ cẩm.


Ngoài việc đầu tư máy móc tại xưởng cho công nhân làm, chị còn lắp 50 máy dệt tại nhà của chị em để họ làm việc lúc nông nhàn. Sản phẩm của cơ sở ngoài bán tại Tuyên Quang, còn mở rộng sang nhiều tỉnh khác như Hà Giang, Bắc Kạn... Thu nhập của công nhân làm tại xưởng là 4 triệu đồng/tháng, còn lao động nông nhàn đạt 1,5 triệu đến 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, chị còn mở nhiều lớp dạy nghề cho chị em các huyện, thị trong tỉnh. “Mình chịu khó học nghề dệt thổ cẩm. Khi quen tay, mình dệt nhanh và đều. Mỗi ngày cũng được vài chục ngàn đồng”, chị Nguyễn Thị Dinh (23 tuổi, dân tộc Dao, xã Tân Phú, huyện Hàm Yên) chia sẻ. 

 Hiệu quả từ các mô hình

Bà Nguyễn Thị Huề, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Tuyên Quang là một tỉnh miền núi, với 23 dân tộc  cùng chung sống. Ở đây, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, vì vậy, sau nông vụ, chị em thường rảnh rỗi, không có việc làm. Nhiều chị em phải rời quê tìm đến các thành phố làm thuê nhưng cũng gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp.

Trước tình hình ấy, Hội đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức đào tạo những nghề phù hợp với chị em như dệt thổ cẩm, mây tre đan; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, rau sạch. Các cấp Hội cũng xây dựng nhiều mô hình tổ liên kết sản xuất, kinh doanh, câu lạc bộ phụ nữ làm kinh tế trang trại để tạo việc làm cho hội viên. Ngoài ra, Hội còn tập trung khai thác các nguồn vốn để giúp chị em vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời, vận động chị em nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá...

Phụ nữ dân tộc Dao, thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên) luôn nêu cao ý thức giữ gìn nghề dệt thổ cẩm Ảnh: Lý Thịnh.

Nhờ các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm của các cấp Hội, hàng chục mô hình sản xuất được xây dựng và phát triển, thu hút nhiều hội viên tham gia. Ngoài ra, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất thủ công cũng tiếp nhận nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề, với khoảng 65% - 70% số chị em có việc làm lúc nông nhàn, cho thu nhập từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Ví như, mô hình tổ liên kết chăn nuôi lợn nái sinh sản tại xã Thái Hòa (huyện Hàm Yên); chăn nuôi gà thịt tại thị trấn Sơn Dương (huyện Sơn Dương); chăn nuôi dê sinh sản tại xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình) thu hút 140 hội viên tham gia... Nhờ đó, trong 5 năm qua, các cấp Hội trong tỉnh đã giúp đỡ 36.789 hộ nghèo. Trong đó, 27.628 hộ được Hội giúp đỡ thoát nghèo, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu chính đáng và thoát nghèo bền vững.

Cũng theo bà Huề, khó khăn nhất hiện nay trong tạo việc làm cho lao động nữ tại Tuyên Quang là trình độ, năng lực của chị em còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động. Các cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư đúng mức, còn thiếu các trang thiết bị dạy và học, việc triển khai, phối hợp với các cơ quan chưa đồng bộ. “Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ. Phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và trung tâm dạy nghề trên địa bàn từng bước đào tạo, tạo việc làm cho hội viên, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo”, bà Huề chia sẻ.

Con số ấn tượng nhiệm kỳ 2011-2016 của Hội LHPN Tuyên Quang

2.064.707 là số ngày công làm đường giao thông nông thôn do hội viên, phụ nữ đóng góp. Ngoài ra, chị em còn  đóng góp 7,9 tỷ đồng, 79.064 m3 đất, sỏi, hiến 6.754 m2 đất để làm nhà văn hóa thôn bản, đường liên thôn.

504 là số mô hình “Gánh cơm nuôi trẻ” và “Bếp ăn cho trẻ” trong toàn tỉnh.

19.000 là số hội viên mới được kết nạp trong nhiệm kỳ vừa qua, nâng tổng số hội viên của tỉnh lên 135.969.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn