Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam: Dòng chảy của sự phát triển

08:00 | 27/11/2019;
Sau hơn 100 năm phát triển, ngành cao su hiện đang là một trong những ngành sản xuất nông lâm nghiệp quan trọng của Việt Nam, cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) là một trong những điểm sáng với bước phát triển vượt bậc.

Để có được quy mô hiện nay là kết quả của quá trình đầu tư phát triển liên tục trong nhiều năm, qua nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ, công nhân viên tập đoàn VRG; có khoản đầu tư chưa thành công nhưng phần lớn là có hiệu quả và là tiền đề để phát triển trong tương lai.

 

Nỗ lực trong suốt thời gian vừa qua VRG đã đạt được những kết quả nổi bật như: Hoàn thành việc cổ phần hóa với quy mô vốn điều lệ 40.000 tỷ, gấp 10 lần so với thời điểm thành lập Tập đoàn; tạo được vị thế , thương hiệu tốt đối với các sản phẩm thuộc ngành sản xuất chính: chiếm 30% lượng cao su cả nước, 50% thị trường nguyên liệu gỗ cao su và gỗ MDF, nằm trong nhóm các công ty có diện tích khu công nghiệp lớn trong cả nước, tạo uy tín tốt đối với chương trình phát triển cao su ở Lào, Campuchia; góp phần trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; góp phần bảo vệ an ninh chính trị, củng cố quốc phòng ở vùng biên giới.

 

Trong tương lai, VRG hướng tới mục tiêu duy trì ổn định và phát triển là một Tập đoàn Kinh tế công nông nghiệp có quy mô lớn, đa dạng các sản phẩm nông công nghiệp để nâng cao hiệu quả toàn diện của Tập đoàn; tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật trong việc sản xuất, áp dụng các giải pháp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước; nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị của sản phẩm; tăng dần giá trị sản phẩm công nghiệp, dịch vụ trong tổng giá trị sản phẩm Tập đoàn; tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đa dạng hóa sở hữu trong Tập đoàn thông qua việc tiếp tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp (đối với các công ty TNHH MTV thuộc Tập đoàn), giảm tỷ lệ vốn Tập đoàn ở công ty, tăng tính đại chúng của Công ty để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, hiệu quả doanh nghiệp và tạo nguồn vốn để phát triển Tập đoàn....

 

Bên cạnh đó, Tập đoàn còn vạch ra những phương hướng cụ thể trên mọi mặt, mọi phương diện phát triển cả về nông nghiệp, công nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của Tập đoàn.

 
Tập đoàn cũng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu trong xu thế CMCN 4.0: Khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như xây dựng ERP ở các đơn vị công nghiệp, quản lý vườn cây qua bản đồ số theo chuẩn GIS, báo cáo đánh giá thông qua các chương trình tin học sử dụng trong nội bộ…

 

Tập đoàn cũng luôn quan tâm đến sự phát triển của đất nước chính vì vậy kinh doanh cần có trách nhiệm (sản xuất đảm bảo chất lượng, không sử dụng hóa chất độc hại, không gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chế độ cho người lao động, quản lý chặt chẽ quy trình an toàn lao động) thông qua các chiến lược cụ thể:

 

Xây dựng phương án phát triển rừng bền vững cho các công ty cao su, thực hiện việc quản lý rừng bền vững để được cấp chứng chỉ và tái cấp chứng chỉ FSC;

 

Bảo đảm chất lượng sản phẩm theo cam kết;

Tăng hiệu quả sử dụng đất;

Đầu tư hệ thống năng lượng tái tạo như điện mặt trời áp mái cho các nhà máy chế biến;

Hoàn chỉnh các hệ thống xử lý nước thải, nước thải đạt tiêu chuẩn quốc gia và tái sử dụng nước

Xây dựng nhà ở cho người lao động ở nước ngoài theo cam kết, xây dựng các làng công nhân cao su để nâng cao đời sống người lao động

Tăng cường công tác quan hệ cộng đồng, tham gia tích cực các phong trào đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo, quỹ khuyến học.

VRG góp phần đồng hành cùng cuộc thi.

 

Để góp phần xây dựng đất nước trong tương lai VRG đã góp phần tạo ra sân chơi hữu ích cho học sinh, sinh viên trong cả nước đó là cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trực tuyến với tên gọi "Pháp luật học đường". Cuộc thi do Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ GD&ĐT, bộ LĐ-TB&XH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Tập đoàn giáo dục Egroup tổ chức. 

 

Cuộc thi không chỉ đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh của các em học sinh, sinh viên mà còn giúp các em thêm kiến thức pháp luật, thấy được pháp luật thật dễ hiểu, gần gũi và thực sự cần thiết, thật đơn giản như công việc hàng ngày. Cuộc thi cũng là một minh chứng cho sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong công tác phổ biến pháp luật, là trách nhiệm chung của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó nhà nước giữ vai trò nòng cốt.

 

Sự đồng hành của VRG góp phần tạo động lực để các em học sinh, sinh viên có môi trường tốt để bộc lộ kiến thức của bản thân về pháp luật để trở thành những công dân tốt của đất nước, góp phần vào sự nghiệp trồng người nước nhà.

 

Với những dấu ấn trong suốt dòng thời gian, VRG hứa hẹn sẽ còn có những bước tiến ngày càng mạnh mẽ là cánh chim đầu đàn cho nền công nghiệp cao su Việt Nam trong hiện tại và cả tương lai.

 

Tập đoàn VRG đang đầu tư vào 107 công ty con, trong đó có 67 công ty trồng cao su quản lý diện tích trên 405.000 ha cao su và các loại cây trồng khác; 3 công ty công nghiệp cao su với các sản phẩm như găng tay, bóng thể thao, nệm, gối cao su, băng tải …; 12 công ty chế biến gỗ với gỗ cao su khảng hơn 300.000 m3, gỗ MDF trên 950.000 m3; 7 công ty khu công nghiệp với diện tích trên 6.660 ha, 8 công ty dịch vụ phục vụ ngành sản xuất chính và 22 công ty ngoài ngành chính đang trong quá trình thực hiện thoái vốn. Địa bàn hoạt động của Tập đoàn khá rộng: ở 34 tỉnh, thành phố trong cả nước và Campuchia, Lào với tổng diện tích cao su trong và ngoài nước trên 400.000 ha, tổng lao động trong toàn Tập đoàn trên 80.000 người với mức thu nhập tương đối khá khoảng 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn