Tại lớp tập huấn, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó trưởng ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam, cho biết, theo Điều tra quốc gia về Người khuyết tật (NKT), Việt Nam có 6,2 triệu NKT, chiếm 7% dân số. Trong số này, 58% là phụ nữ và 11% là trẻ em từ 2-17 tuổi.
Đây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử kép vì lý do khuyết tật và giới. Các chị em gặp phải rất nhiều định kiến, khó khăn. Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua đã rất quan tâm và có những chính sách hỗ trợ (Luật Người khuyết tật, Chỉ thị 39/CT-TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư về về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật…) để chăm sóc, bảo vệ nhằm đảm bảo các quyền cơ bản. Cụ thể: phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ khuyết tật, hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền, đảm bảo không gian an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy phụ nữ tiếp cận các nguồn lực, cơ hội và nâng cao năng lực, vị thế, giúp chị em tự tin hơn, giảm bớt khó khăn, từng bước hòa nhập với xã hội.
Với vai trò là tổ chức đại diện cho mọi tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN luôn xác định tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền và chăm lo đời sống cho phụ nữ khuyết tật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, năm 2021, Hội LHPN Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động về trợ giúp phụ nữ khuyết tật giai đoạn 2021- 2030 và tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ 2022-2027 cũng đề ra chỉ tiêu "Phấn đấu ít nhất 80% phụ nữ khuyết tật được các cấp Hội hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau".
Các cấp Hội đã tập trung hỗ trợ phụ nữ khuyết tật với các hoạt động cụ thể như: Tuyên truyên nâng cao kiến thức, kỹ năng về mọi mặt cho phụ nữ; Xây dựng các mô hình có hiệu quả như Phụ nữ khuyết tật tự lực; Địa chỉ tin cậy; Nhà tạm lánh tại cộng đồng; Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới; Nhà bình yên; Thành phố an toàn; Làng quê an toàn; Hỗ trợ sinh kế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; Tích cực tham mưu, đề xuất chính sách, đề án, phê duyệt các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế.
Thông qua các hoạt động trên, các cấp Hội đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của xã hội và bản thân NKT; thu hút được sự quan tâm và trách nhiệm từ các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với công tác hỗ trợ NKT. Qua đó, từng bước tháo gỡ các rào cản, định kiến giới, các dịch vụ tiếp cận về giao thông, chăm sóc sức khỏe, thông tin... của NKT.
Tuy nhiên, NKT vẫn còn gặp nhiều rào cản trong quá trình tiếp cận với các hoạt động văn hoá, kinh tế, xã hội. Đặc biệt là khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Do đó, trong thời gian tới, công tác NKT vẫn cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị - bà Nguyễn Thị Thanh Thúyvchia sẻ.
Nhằm góp phần giải quyết những tồn tại nêu trên và thực hiện mục tiêu của Hội về hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh Bắc Giang tổ chức lớp tập huấn về chăm sóc sức khoẻ cho các chị em, nhất là các kiến thức về phòng chống ung thư vú. Với sự đồng hành của ThS.BS Nguyễn Đức Long, Phó trưởng khoa ngoại theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội.
Tại đây, chị em phụ nữ khuyết tật đã được cung cấp cũng như giải đáp những thông tin cần thiết cho sức khỏe cho bản thân và con em mình.
Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động dành cho phụ nữ khuyết tật, giúp chị em ngày càng tự tin hòa nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn